Trang chủ » Chân dung của Dorian Gray – Oscar Wilde – Bài ca về cái đẹp và sự tha hóa trong tâm hồn

Chân dung của Dorian Gray – Oscar Wilde – Bài ca về cái đẹp và sự tha hóa trong tâm hồn

Tác phẩm “Chân dung của Dorian Gray” của Oscar Wilde là một minh chứng cho tư tưởng “nghệ thuật vị nghệ thuật“. Văn chương trước hết là cái đẹp. Lời văn của tác phẩm rất đẹp, rất bóng bẩy, trau chuốt, mượt mà, cả hình tượng nhân vật chính Dorian Gray cũng được xây dựng bằng bút pháp lãng mạn với những vẻ đẹp vượt trên khuôn khổ. Những cao trào của truyện lẫn cốt truyện và cái kết đều giàu sức hút.

Bức chân dung nhan đề nhắc đến là tác phẩm tuyệt mỹ mà họa sĩ Basil Hallward vẽ nên. Ông tôn thờ cái đẹp, đắm say trong nghệ thuật vì vậy nên ông kính cẩn, mê đắm, tôn sùng Dorian Gray, người đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng nghệ thuật của ông. Nhưng Dorian Gray không bị hấp dẫn bởi lối sống đơn thuần, bằng phẳng mà Basil mang lại, anh bị cái xấu xa cám dỗ linh hồn. Những thứ mới lạ như thứ men nồng có sức lôi cuốn mãnh liệt. Anh trượt dài trong sự sa đoạ không phanh. Anh từng là “tạo vật trinh bạch nhất trên cõi đời” nhưng sau đó lại trở thành kẻ không tim, không có lòng trắc ẩn với hàng loạt những hành động sai lầm. Chính bức chân dung không có khiếm khuyết mà Basil vẽ nên đã kéo theo bao câu chuyện kịch tính, hấp dẫn về sau cùng với sự băng họa giá trị đạo đức ở con người mà điển hình là chàng trai trẻ Dorian Gray.

Chân dung của Dorian Gray - Oscar Wilde - Bài ca về cái đẹp và sự tha hóa trong tâm hồn. (Ảnh: Thúy Diễm)
Chân dung của Dorian Gray – Oscar Wilde – Bài ca về cái đẹp và sự tha hóa trong tâm hồn. (Ảnh: Thúy Diễm)

Cuốn sách đã phản ánh bản chất thối rữa, mục nát của xã hội Anh thời Victoria với điển hình là huân tước Henrry. Chính anh đã biến Dorian Gray, một chàng trai thuần khiết, đơn giản sa chân vào vòng truỵ lạc, tội lỗi. Nhân này vật được khắc họa rất thú vị, lời nói có phần hài hước, cuốn hút, có những tư tưởng mới lạ nhưng cũng đầy rẫy nguy hiểm bởi luôn nhìn ra và thường mổ xẻ những mặt tối của con người. Những bùn dơ ấy đã làm vấy bẩn Gray.

Để khắc tạc nên sự biến chất trong tâm hồn con người, Oscar Wilde đã khéo léo diễn tả lại những biến đổi trong tâm hồn của Gray. Nhà văn không chỉ khai thác những sự kiện bề nổi mà còn đi sâu vào bóc tách, mổ xẻ những biến đổi bên trong tâm hồn nhân vật. Chủ yếu là qua những lời tự vấn, dằn vặt bản thân của Dorian Gray. Nhà văn dành khá nhiều đất cho phần độc thoại nội tâm của nhân vật. Hàng loạt những độc thoại được tái hiện tỉ mỉ, sinh động. Tội ác đã làm nhân vật chính của chúng ta run sợ, kinh hoàng mỗi ngày. Dorian cũng từng yêu mê đắm, từng ngây thơ, trắng trong nhưng rồi anh phải trải qua những ngày tháng đen tối vì ngụp lặn trong lo sợ, dằn vặt và cả hối hận vì những gì mình đã làm. Để rồi đỉnh điểm là gây tội ác và kết thúc trong cuộc mình trong bi thảm.

Motif bán linh hồn cho quỷ dữ không mới mẻ nhưng cuốn sách vẫn đủ sức lôi cuốn bởi kết cấu, cách xây dựng nhân vật, xây dựng tình huống và những đoạn miêu tả, liên tưởng độc đáo, đậm màu sắc cá nhân cùng những u ám len lỏi sâu bên trong không gian tác phẩm. Điểm nhấn trong “Chân dung của Dorian Gray” là sắc đẹp của chàng trai Dorian Gray được tán tụng qua con mắt của người nghệ sĩ: Hoạ sĩ Basil. Dorian Gray có sức quyến rũ kỳ lạ. Chỉ cần nhìn thấy anh thôi, người khác cũng đủ thấy vui. Anh trở thành nguồn cảm hứng, thành yếu tố nghệ thuật lạ kỳ khơi mở cho các tác phẩm của Basil. Anh làm trái tim Sibyl Vane tan chảy, làm Henry bồi hồi, thích thú.

Tôi đánh giá cao bản dịch của Nham Hoa bởi câu từ trau chuốt, đạt đến cái gọi là mỹ từ. Dịch giả đem lại sự sống động, cựa mình và đậm chất nhạc cho câu văn dù là đoạn tả người hay tả cảnh. Đồng thời, Oscar Wilde đã thành công khi tái hiện lại khía cạnh tâm hồn con người bị tha hoá. Cách viết đẹp với tư tưởng thời đại sẽ khiến tác phẩm mãi tồn tại.

XEM THÊM

Thảo luận của bạn