Trang chủ » Làm cha mẹ tỉnh thức – Shefali Tsabary

Làm cha mẹ tỉnh thức – Shefali Tsabary

Trở thành cha mẹ là một trong những nhiệm vụ thiêng liêng nhất trong đời người. Khi chuyển hóa từ một người con, thành một người mẹ, cả cuộc sống của bạn cũng sẽ thay đổi, không ít thì nhiều sẽ ảnh hưởng đến nhịp sinh hoạt bình thường. Hơn hết, việc dành tâm sức nuôi dạy những đứa trẻ thành những người tử tế sẽ dẫn bạn đến con đường hiểu rõ hơn về bản thân mình. Sự kiên nhẫn của bạn nằm ở đâu? Giới hạn nào cho những yêu thương?

Có quan điểm cho rằng, muốn nuôi dưỡng những đứa trẻ một cách an nhiên, hạnh phúc thì nên đốt hết những quyển sách làm cha mẹ đi. Tôi ủng hộ ý kiến này. Việc nuôi dưỡng một đứa trẻ mang tính chất cá nhân, tốt hay không phụ thuộc vào định hướng của cha mẹ, tính cách đứa trẻ, và văn hóa gia đình. Không có một công thức nào là chính xác kiểu one-size-fit-all cả.
Tuy nhiên, có một quyển sách tôi thật tâm khuyên bạn để dành lại cho chính mình và hành trình làm cha mẹ phía trước: Làm cha mẹ tỉnh thức. Quyển sách không chỉ là kim chỉ nam cho bạn trong việc dưỡng dục con cái, mà còn là một món quà dành tặng cho bản thân. Bạn sẽ hiểu được cần phải phản ứng với các con như thế nào, và đối xử với chính mình ra sao để có thể thật sự tỉnh thức khi trở thành người đồng hành tuyệt vời cùng những đứa trẻ của mình.

Làm cha mẹ tỉnh thức – Shefali Tsabary
Làm cha mẹ tỉnh thức – Shefali Tsabary

Sự trở lại của đứa trẻ bên trong

Đi qua mỗi chương, tôi đều ngẫm lại quá khứ của mình, cố moi móc xem có đứa trẻ đáng thương nào đang ẩn nấp đâu đó và chờ mình đến dẫn ra lối thoát hay không.

Quả thật là có. Một cô bé đang lấp ló nơi góc lòng, với gương mặt ủ rũ và cả thân người được bao lại bởi một chiếc vỏ bọc đầy gai. Cô bé ấy tên là tham vọng hão huyền, xuất hiện từ những ngày biết lắng nghe những câu chuyện buồn của mẹ. Có lẽ là năm tôi được 5 hay 6 tuổi gì đó. Những câu chuyện mẹ kể đều xoay vần quanh sự nghèo khó, sự giễu cợt của người đời và sự thất vọng trong hôn nhân. Bao nhiêu giọt nước mắt đau buồn của mẹ, bao nhiêu cái chau mày bất lực của ba đều đọng lại trong cô, dần gom lại tạo nên một tảng đá lớn, thúc đẩy sự ganh ghét và hận thù trong cô lớn lên cùng năm tháng. Cô chỉ ước rằng mình mau lớn, mau trưởng thành, mau giàu có để có thể trả hết những món nợ, cả tiền lẫn tình, cả sự bạc bẽo và thương hại cho những người đã dày vò ba mẹ cô.

Trớ trêu thay, khi đã đủ tuổi được định danh là trưởng thành, khi đã sinh ra được những đứa trẻ, tôi lại không chắc rằng mình đủ bản lĩnh để thực hiện những tham vọng này của cô bé ấy. Tôi quên hẳn sự tồn tại của cô bé ấy khi cứ mãi quanh quẩn với những đứa con của mình. Cô bé ấy vẫn lẳng lặng đứng yên đó, và bất ngờ xuất hiện vào những ngày tôi đọc được quyển sách này.

Liệu rằng việc sinh ra được những đứa trẻ đồng nghĩa với sự trưởng thành?

Cứ ngỡ rằng sinh con tức là đã trưởng thành, nhưng không. Ở độ này, chúng ta chỉ là những người đủ điều kiện để chịu trách nhiệm về những hành động và quyết định của bản thân mà thôi. Các con ra đời là để giúp ta ngày một hoàn thiện hành trình trưởng thành của mình, để nhận diện lại cô bé đáng thương kia, và những cô bé khác còn trú ẩn trong lòng, đối diện, xoa dịu và tiễn họ ra đi. Có như thế, ta mới có thể tự tin sống, tự tin chịu trách nhiệm với chính mình, và tự tin cùng con đối diện với mọi cảm xúc của mình.
Không phải người ta càng lớn tuổi, lại càng muốn trở về với tuổi thơ sao? Tuổi thơ vẫn luôn hiện diện bên trong chúng ta. Chỉ cần nhìn vào những đứa trẻ, ta sẽ nhận ra ngay đó mà. Đó chẳng phải là tỉnh thức để làm cha mẹ, làm người tử tế cùng con đó sao?

Lo lắng bao che cho sự bất lực

Đây là một trong nhiều những quan điểm càng đọc càng thấy đúng mà tác giả đề cập đến trong sách. Dường như tác giả đã quá hiểu về mình. Quả thật không sai. Nó là một vòng tuần hoàn không hồi kết.

Những ngày cũ, mẹ tôi luôn lo lắng về vấn đề tiền bạc, tiền ăn, tiền học, tiền sinh hoạt. Càng lo lắng, mẹ càng buồn rầu vì phải luôn ở nhà trông con, công việc lại không ổn định, khi thì quá bận, làm không kịp trở tay, lúc lại không có một vị khách nào ghé thăm ngoài những đứa trẻ. Thu nhập bấp bênh càng khiến nỗi lo trong mẹ lớn hơn.

Khi cha mẹ đối mặt với bất kỳ tình huống nào bằng sự hoài nghi, bi quan và cố gắng tìm kiếm đáp án cho những vấn đề đó trong vô thức, con trẻ cũng bị ảnh hưởng và sẽ học cách định hướng cuộc đời chúng trong hoang mang y như vậy. Bởi vì các bậc phụ huynh này không coi những thách thức trong cuộc sống là cơ hội để rèn luyện sự kiên cường của mình. Thay vào đó, họ nhìn nhận sự việc theo kiểu “thật là bất hạnh”. Những câu chuyện họ kể cho con nghe, những lần họ tâm sự với con cái, những nỗi lo lắng cũng theo đó truyền từ họ sang con.

Bản thân tôi là đứa con gái nhạy cảm, lại là con lớn trong nhà, nên hấp thụ gần như trọn vẹn những nỗi niềm của mẹ vào người. Tôi không trách mẹ, nhưng thành thật mà nhìn nhận, mẹ tôi đã ngộ sát tâm hồn ngây thơ của con mình, bằng những nỗi lo lắng như thế. Trách làm sao được khi mà bản thân mẹ cũng là một nạn nhân từ thế hệ trước? Trách làm sao được khi mẹ bị vướng vào cái vòng luẩn quẩn nghèo khó, con cái, gia đình, công việc không thể trốn tránh? Trách làm sao được khi thế hệ của mẹ nào có thời gian đọc sách để tỉnh thức như đời của chúng ta?

Song, tôi không muốn các con của mình lại là thế hệ nạn nhân tiếp theo của hội chứng lo lắng phiền muộn, nên đã luôn nhắc bản thân mình bớt chút hoang mang, thêm chút vô tư với cuộc đời, tự nhủ rằng dù có sống thật với cảm xúc của mình đến đâu, cũng phải thật trong tỉnh thức. Chuyện gì đến, ắt sẽ đến, không cản được. Người nào đi, ắt sẽ đi, không thể níu kéo. Chúng ta, hãy chấp nhận sự như nhiên của cuộc sống, đối mặt với mọi việc đến và đi một cách bình thản và kiên cường nhất.

Hay việc nhìn nhận lại kỳ vọng và những điều bạn đang mong muốn từ các con, xuất phát từ con hay từ chính bạn? Việc định hướng cho các con theo đuổi những điểm số cạnh tranh ở trường hay sự can đảm đối mặt với thất bại, sự dũng cảm để cố gắng không ngừng nghỉ vì một mục tiêu cụ thể cũng được vạch trần một cách sâu sắc qua từng chương cụ thể của quyển sách. Tôn trọng những điều bình dị trong cuộc sống, trân quý những giây phút hiện tại cùng các con và mạnh mẽ gạt bỏ những nỗi sợ, nỗi lo lắng chính là những nguyên tắc vàng trong việc làm cha mẹ một cách tỉnh thức, cùng các con lớn lên một cách tử tế, toàn diện.

XEM THÊM

Thảo luận của bạn