Vấn đề phân biệt chủng tộc luôn làm người trong cuộc đau đớn và độc giả nhức nhối, xót xa khi đọc về những gì tồi tệ đã xảy ra. Tuy không có quá nhiều sự bạo tàn, đánh đập, giết chóc rùng rợn như các tác phẩm khác đã đề cập nhưng “Nửa kia biệt tích” của nhà văn Mỹ Brit Bennett lại mang đến cho ta góc nhìn mới mẻ về tình trạng này thông qua sự chối bỏ nguồn cội, gốc gác của nhân vật chính.
Câu chuyện đầy nỗi xót xa xoay quanh vấn đề phân biệt chủng tộc.
Với tài năng khai thác tình tiết, sự kiện, đặc biệt là diễn tả tâm lý… của tác giả và những giá trị nhân văn, những thông điệp mà tác phẩm mang lại mà khi mới ra mắt, “Nửa kia biệt tích” đã được xếp hạng 10 tuyệt tác của năm 2020 theo New York Times bình chọn. Đặc biệt, đây cũng là một trong những cuốn sách mà cựu tổng thống Mỹ Barack Obama yêu thích. Đối với tôi, đây là cũng là một tác phẩm hay và đầy ý nghĩa. Nó như một tách trà ngày đông, thật thú vị khi ta nhẩn nha nhấm nháp từng chút một.
Cuốn sách là những thước phim xoay quanh cuộc đời cặp chị em sinh đôi Desiree và Stella Vignes, họ sinh ra và lớn lên tại thị trấn Mallard. Tuy có làn da sáng màu nhưng họ mãi mãi vẫn là người da đen. Họ phải ngoi ngóp trong bùn lầy dơ bẩn mà người da trắng áp đặt.
Tại nơi họ sống, sự phân biệt màu da diễn ra vô cùng rõ rệt. Người da đen bị sỉ nhục, cợt nhả, xem thường, và thậm chí bị người da trắng giết hại như một điều hiển nhiên. Họ bị đối xử như giống người hạ đẳng, nỗi ám ảnh đi vào giấc ngủ của họ với những cơn ác mộng triền miên cả về sau này. Đau đớn và chua chát làm sao khi họ thốt lên “Dân da trắng giết nếu ta muốn quá nhiều, rồi cũng giết ta nếu ta muốn quá ít… Ta phải tuân theo luật chơi của chúng nhưng chúng có thể thay đổi luật chơi bất cứ lúc nào. Quỷ quyệt, có thể nói như vậy.” Chính màu da khiến họ không được đối xử bình đẳng, người da màu không được sống như một con người thật sự. Bất công ngập tràn như gió thổi, mây bay không bao giờ chấm dứt. Những mẩu chuyện về sự bất công ấy cứ len lỏi vào từng ngóc ngách của mạch truyện, mỗi lần nó xuất hiện đều làm độc giả tê tái.
Chính sự phân biệt màu da ấy đã khiến các nhân vật có những lựa chọn tạo ra ngã rẽ trong cuộc đời mình dẫu lựa chọn ấy đem lại rất nhiều sự lừa dối, những đêm trăn trở, cảm giác tội lỗi, dằn vặt. Nhà văn Brit Bennett đã khéo dùng ngòi bút để tái hiện những cung bậc cảm xúc của nhân vật từ nỗi nhớ nhung, mong ngóng đến ân hận, sợ hãi mỗi ngày… Tác giả đi sâu mổ xẻ, bóc tách từng biến động trong tâm trí của nhân vật, đặc biệt là Stella để độc giả có thể nhận ra rằng: Ai ai cũng muốn sống hạnh phúc, được hưởng những đặc quyền của cuộc sống chứ không chỉ riêng người da trắng. Ta rưng rưng, cay đắng thay cho họ, những người da màu khát khao sống hạnh phúc đến nỗi phải đánh đổi tất cả rồi ngập ngụa trong căng thẳng, buồn lo.
“Nửa kia biệt tích” là sự tổng hòa của nhiều lát cắt cuộc đời. Mỗi cuộc đời đều được kể lại rất thú vị, sinh động và cũng trần trụi như chính đời thực. Nó không được tô hồng, mà hiện lên với cả những mảng sáng tối khác nhau. Nhiều đoạn đời rất đậm màu qua lối trần thuật cuốn hút khiến người đọc phải lưu tâm, day dứt và tự vấn.
“Chẳng có gì khó khăn khi trở thành da trắng ngoại trừ sự táo bạo. Ta có thể thuyết phục bất cứ ai rằng ta thuộc nhóm người nào miễn sao bạn hành xử như thể mình thuộc nhóm đó.” Thế nhưng, qua hành trình mà các nhân vật đã trải qua, Brit Bennett đã khẳng định rõ ràng rằng: Cội nguồn là điều mãi mãi bạn không thể chối bỏ và tình cảm gia đình luôn luôn là điều thiêng liêng nhất mà mỗi chúng ta cần trân quý.