José Mauro de Vasconcelos từng tiết lộ phương pháp viết của mình:
“When the story is entirely made in imagination is when I begin to write. I only work I have the impression that the novel is exiting from all the pores of the body.”
Vậy thì điều gì đã khiến José Mauro chần chừ để đặt bút viết nên câu chuyện của chính bản thân ông – một câu chuyện mang tính tự truyện về thuở ấu thơ, khi tác giả còn là cậu bé Zezé chưa đầy sáu tuổi – mà đáng lý ra theo trí nhớ thiên bẩm của José Mauro thì nó vẫn luôn ở đấy, trọn vẹn và yên vị chờ ngày được kể ra?
Bắt đầu sáng tác ở tuổi 22, phải mất đến 26 năm từ sau ngày đầu cầm bút viết văn, khi đã đứng ở bên kia triền dốc của cuộc đời, sau bao nhiêu năm cố gắng trao tặng những viên bi và những tấm thẻ bài, sau ngần ấy năm nỗ lực trao đi sự trìu mến… José Mauro mới hoàn thành cuốn tiểu thuyết về thời thơ ấu của mình với tên gọi “Cây cam ngọt của tôi”.
Tựa đề có chút ngọt, độc giả có thể bắt gặp nhiều tình tiết hài hước đáng yêu trong những trò nghịch dại của Zezé và trái tim cũng sẽ rung lên mềm mại trước tấm lòng ấm áp của bé con, nhưng dư vị còn đọng sau khi khép lại cuốn sách là chút đắng chát nơi cuống họng, là nỗi buồn mênh mang, là niềm khắc khoải tự vấn, rằng liệu cuộc đời này có đáng sống hay không?
Cuốn tiểu thuyết gồm 2 phần được chia làm 14 chương, xoay quanh nhân vật chính là Zezé. Thông minh và khôn trước tuổi, Zezé như trang giấy trắng sẵn sàng loang những vết mực mà cuộc sống vẩy lên, có đẹp, có xấu. Cái em cần, và những đứa trẻ cần, là lắng nghe, thấu hiểu và bao dung để em dần khôn lớn mà vẫn bảo vệ được sự thiện lương trong trái tim mình – như cái cách mà “người bạn đặc biệt” đã dành cho em, người dạy cho em biết ý nghĩa của sự trìu mến. Chứ không phải là đòn roi hay hắt hủi từ chính người thân của mình, họ đổ thừa cho nghèo đói, cho đông con, cho cha thất nghiệp, cho mẹ đau ốm vẫn phải làm lụng vất vả, để trút những trận đòn kinh hoàng lên Zezé mỗi khi em nghịch ngợm, đến nổi em đã phải phủ định chính mình, đã phải hoài nghi rằng bên trong mình có một con quỷ dữ nên việc không được yêu thương là lẽ tất nhiên.
Sẽ như thế nào nếu “người bạn đặc biệt” của Zezé không xuất hiện? Câu trả lời dường như đã hiện hữu qua cuộc đời ngắn ngủi của Glória và Luís. Có một sự thật đáng buồn là sự dịu dàng của mẹ đã không đủ để cứu vớt được những tâm hồn nhạy cảm đáng thương này.
“Tưởng nhớ em trai Luís (Vua Luís) và chị gái Glória của tôi. Luís đã từ bỏ cuộc sống ở tuổi hai mươi, và Glória cũng đã làm thế ở tuổi hai mươi tư, vì nghĩ rằng cuộc đời này không đáng sống.” – Trích lời đề tặng “Cây cam ngọt của tôi”.
Zezé – giữa cơn đau như chết lặng trước sự ra đi của “người bạn đặc biệt”, trước sự tàn nhẫn của cuộc đời – vẫn gắng gượng sống, và mang theo sự trìu mến mà em đã nhận được chỉ trong vài tháng ngày ngắn ngủi để cứu rỗi nhiều cuộc đời dài.
Zezé bé bỏng, cũng chính là José Mauro trưởng thành, vẫn luôn cố gắng làm người gìn giữ sự trìu mến, với mong muốn bảo vệ sự ngây thơ và thiện lương của thế giới này, để những tâm hồn thánh thiện không bị sụp đổ trước thực tại.
“Cây cam ngọt của tôi” ra đời sau nhiều năm trăn trở của José Mauro, mang theo nỗ lực chữa lành và gửi gắm niềm tin rằng cuộc đời này dẫu lắm đớn đau nhưng vẫn đáng sống, bằng một câu chuyện có thật, bởi vậy mà dễ dàng chạm vào nơi mềm mại nhất trong tim mỗi người. Chỉ sau vài thập kỷ, tác phẩm đã được đưa vào chương trình bậc tiểu học ở Brazil, đứng vững ở vị thế kinh điển trong nền văn học quốc nội và được quảng bá rộng khắp thế giới.