Trang chủ » Ngàn mặt trời rực rỡ – Khaled Hosseini

Ngàn mặt trời rực rỡ – Khaled Hosseini

Ở nước ta, tên tuổi của của nhà văn Khaled Hosseini gắn liền với tác phẩm “Người đua diều”. “Ngàn mặt trời rực rỡ“, một đứa con tinh thần khác của ông, lại ít được biết đến dẫu nó không hề thua kém người anh em kia. Tác phẩm thấm đẫm giá trị hiện thực và cũng ngập tràn giá trị nhân đạo, nó có khả năng làm tan chảy trái tim của bất cứ ai đọc nó. Tôi tin chắc rằng, không có trái tim nào đủ sắt đá để không xao động, xót thương khi đọc quyển sách này.

Lấy bối cảnh đất nước Afghanistan trong khoảng thời gian hơn 40 năm đầy biến động, tác giả đã khắc hoạ sắc nét cuộc đời, số phận bi thương của biết bao người phụ nữ, ví dụ điển hình là Nana, Mariam, Laila. Những số phận bi đát như thế đã bóp nghẹt tim tôi trong từng trang giấy. Khaled Hosseini đã khéo léo xây dựng lên những nhân vật là điển hình cho người phụ nữ Afghanistan với số phận bất hạnh cùng cốt truyện hấp dẫn với nhiều điểm nhấn, nhiều kịch tính, ngã rẽ. Càng đọc, ta càng bị cuốn vào không gian tác phẩm, vào đất nước xa xôi mà ở đó con người còn chịu nhiều khổ cực quá đỗi.

Ngàn mặt trời rực rỡ - Khaled Hosseini. (Ảnh: Thúy Diễm - Dĩm Dĩm)
Ngàn mặt trời rực rỡ – Khaled Hosseini. (Ảnh: Thúy Diễm – Dĩm Dĩm)

Mariam là con gái của Nana, người phụ nữ có số phận chịu nhiều đắng cay, tủi nhục. Cô bé lớn lên trong vỏ bọc là một đứa con hoang và mỗi ngày phải lắng nghe những lời nói cay nghiệt của mẹ hướng về cha của Maria. Bà làm khổ bản thân và cũng làm con phải khổ. Còn Laila vốn là con gái của một thầy giáo. Từ thuở nhỏ, cô đã được cha yêu chiều, được học tập và tiếp thu nhiều kiến thức có ích. Vòng xoáy cuộc đời đã đem hai nhân vật đến với nhau và phải chịu đựng cuộc sống cay đắng, đẫm trong bạo lực.

Số phận của người phụ nữ đáng thương và quá rẻ rúng được dựng lên trong những hành động, sự kiện dồn dập và đầy cuốn hút. Họ bị coi thường, bị chà đạp, bị đối xử quá bạo tàn. Họ bị khinh khi như một thứ hàng rẻ rúng. Đặc biệt, người phụ nữ bị dập vùi bởi sự tàn độc của đàn ông, bởi bạo lực gia đình với đòn roi, đấm, đá… mà phần thắng cũng như phần đúng luôn thuộc về người đàn ông. Biết bao nhiêu oan trái khiến ta căm phẫn và thương xót.

Ở thế kỷ 20, 21 rồi mà người phụ nữ Afghanistan còn chịu nhiều bất công, thiệt thòi quá. Chiến tranh nổ ra, số phận của họ lại càng thêm bi đát, khốn cùng. Tất cả quyền lợi đều thuộc về nam giới, phụ nữ không được làm việc, không được một mình ra đường, không được tự ý quyết định điều gì, ngay cả bệnh viện dành cho phụ nữ cũng hiếm hoi và thiếu thốn các trang thiết bị tối thiểu. Ngòi bút của Khaled Hosseini càng xoáy sâu vào hiện thực càng khiến lòng ta căm phẫn và nhức nhối không cùng. Nỗi đau như thứ ung nhọt đến ngày lở loét, vỡ ra, đau thấu da thịt.

Góp phần gây nên đau khổ cho con người, đặc biệt là người phụ nữ chính là chiến tranh. Chiến tranh đem đến chia ly, nhiều mất mát, đau thương khiến ta phải rùng mình, xót xa. Những cái nhìn thẫn thờ, những giọt nước mắt nghẹn ngào trước tin tử trận của người thân, những đổ vỡ… là những lát cắt tạo nên cục diện của đất nước Afghanistan vào thời điểm chìm trong máu lửa.

Nội tâm nhân vật được khai thác rõ nét và chân thật như ánh sáng ban ngày đã có sức lay động ghê gớm. Ta dễ dàng tưởng tượng được sự khốc liệt và nỗi đau mà chiến tranh gây ra. Chiếc áo của thần chiến tranh quá rộng, mỗi lần hắn bước qua, kéo lê theo tà áo là bấy nhiêu mất mát trải dài.

Nghệ thuật tự sự với nhiều kịch tính, sự khéo léo trong cách dựng truyện, sử dụng hình ảnh, khai thác nội tâm nhân vật khiến “Ngàn mặt trời rực rỡ” thật hấp dẫn. Tác phẩm còn có rất nhiều đoạn đắt giá và lấp lánh giá trị nhân văn khiến ta phải lắng lòng ngẫm ngợi. Ta yêu thương, phẫn nộ, tiếc nhớ và cũng cảm phục trước những hành động của các nhân vật.

XEM THÊM

Để lại một bình luận