Những trang sách như đang thở cùng trái đất này!
“Chỉ cần một con bướm đập cánh ở Brazil có thể gây ra một cơn lốc xoáy ở Texas” là câu nói nổi tiếng của Edward Lorenz về hiệu ứng cánh bướm. Đôi khi tôi vẫn nghĩ đến câu nói này và mường tượng đến sự nhạy cảm của những gì có thể xảy ra trên trái đất, từ thời tiết đến con người. Thế nhưng dù có nghĩ đến, những suy nghĩ của tôi cũng chỉ ở mức… sơ sơ cho có. Tôi biết mình cần bảo vệ môi trường, nhưng tôi chưa từng nghĩ hành tinh này thực sự đang tổn thương sâu sắc.
Cho đến khi đọc Người mắt kép, tôi chưa khi nào cảm thấy như mình có thể thở và run rẩy cùng trái đất như thế. Trái đất của tôi như một cơ thể sống, không ngừng bị tổn thương, không ngừng bị bào mòn và không ngừng tuyệt vọng. Và trên “cơ thể” đang run rẩy từng ngày đó, có những con người nhỏ bé cũng không ngừng tổn thương và tìm cách chữa lành như Alice, như Hafay, như Dahu hay Atile’i nhỏ bé từ Wayo Wayo như thực, như mơ. Một tổng thể không thể tách rời và vô cùng mềm mại, dịu dàng.
Người mắt kép của Wu Ming-Yi tràn ngập hơi thở và nhịp đập của trái đất!
Người mắt kép là những câu chuyện được ghép lại từ góc nhìn của mọi nhân vật được nhắc đến. Những người từ Á đến Âu, từ rừng đến biển, từ hòn đảo hoang sơ “tí hon” Wayo Wayo đến phố xá Đài Loan tấp nập. Ai cũng có những mất mát, tổn thương của riêng mình và ai cũng, bằng cách nào đó, có những mối liên kết tha thiết với tự nhiên. Về người phụ nữ chìm trong tuyệt vọng vì sự mất tích của chồng và con. Về người phụ nữ sống với kí ức xám xịt về những mạng sống bị cướp đi bởi nước lũ. Về người đàn ông tưởng rằng mục đích cuộc đời mình là săn cá voi nhưng lại chết trên con đường bảo vệ hải cẩu và các loài vật trên biển. Về những cuộc sống bền bỉ, vì hy vọng trong tuyệt vọng.
Người mắt kép là câu chuyện về hòn đảo Way Wayo như tồn tại ở điểm mù thế giới, con người sống quật cường để tồn tại nhưng cũng hy sinh bản thân mình để hòn đảo tồn tại. Là câu chuyện về đảo Đài Loan từng ngày trở nên nhỏ lại vì biển lấn vào, từng ngày bị huỷ hoại vì những kẻ muốn đào bới. Về hòn đảo kì lạ – vực xoáy rác trên Thái Bình Dương, thứ đưa cậu thiếu niên Atile’i đến với Đài Loan từ bên rìa thế giới và trên hết, là thứ mà đại dương đã giữ lại để có ngày trả nguyên vẹn lại cho con người.
Và là câu chuyện về Người Mắt Kép – kẻ có thể nhìn thấy tất cả nhưng không thể can thiệp vào việc gì. Kẻ sáng suốt nhưng không thể thay đổi điều gì.
Đến cuối cùng, tôi không biết những số phận trong Người mắt kép sẽ trôi về đâu. Nhưng tôi nghĩ mình biết, trái đất này rồi sẽ như thế nào. Có hàng vạn cuốn sách nói về chủ đề tận thế, về sự huỷ hoại trái đất, về sự tham lam của con người hay sự giận dữ của thiên nhiên. Thế nhưng chưa từng có tác giả nào khiến tôi cảm nhận một hành tinh đang run rẩy, đang không ngừng tổn thương và rỉ máu một cách rõ ràng như Wu Ming-Yi.
Cũng như cách con người tìm kiếm hy vọng và không ngừng cố gắng, trái đất cũng đang tự chữa lành cho chính mình. Thế nhưng trái đất không thể đủ cho quá nhiều người tham lam. Wayo Wayo đã bị vùi lấp trong rác. Đài Loan hay bất cứ hòn đảo nào rồi cũng sẽ đi ra biển. Những loài vật đã biến mất và những loài vật khác còn tiếp tục biến mất. Hành tinh Trái Đất rồi cũng sẽ biến mất. Chỉ là theo cách nào, có đau đớn hay không, đều tùy ở những “cánh bướm”.
Người mắt kép – Một cuốn sách dành cho những ai muốn yêu!