“Trẻ em không chỉ sống để thành tài mà còn phải được sống để tận hưởng tuổi thơ”
Thi thoảng tôi tự hỏi những đứa trẻ được sinh ra trong thế kỷ 21 hay còn được gọi vui là gen Z, tuổi thơ của các em, các con sẽ như thế nào?
Liệu rằng những chiều thả diều, bắn bi, đan thun nhảy dây như tôi ngày ấy vẫn còn chứ? Có lẽ, những hôm mưa tối trời, nắng nhuộm cháy màu cửa sổ ấy chỉ còn trong tâm trí những người gen X, gen Y đã sớm chuẩn bị hoặc đã trở thành cha mẹ như tôi.
“Người mẹ tốt hơn người thầy tốt” – tôi đã ngẫm nghĩ rất lâu trước quyết định mua và đọc cuốn sách này. Quả nhiên không hề lãng phí và thất vọng chút nào.
Hành trình lớn lên của cô bé Viên Viên thông qua lời kể của mẹ, kiêm tác giả cuốn “Người mẹ tốt hơn người thầy tốt” – Doãn Kiến Lợi, khiến tôi như nhìn thấy lại chính mình ngày ấy, cũng từng là một cô bé tò mò trước vạn vật, cũng từng nhút nhát và bật khóc đầy ấm ức trước những trò đùa vô thưởng vô phạt của người lớn và cũng từng quậy ra trò khi những ngày hè bỗng chốc không còn kéo dài nữa.
Người Mẹ, người Thầy hay người Bạn?
Người lớn nào cũng từng là đứa trẻ, tôi không ngoại lệ. Ngay từ những chương đầu tiên, tác giả đã đặt ra vấn đề “Làm thế nào để nâng cao chất lượng cho tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái?”. Cụ thể ở đây, chính là việc chào đón một sinh linh ra đời và làm xáo trộn cuộc sống vốn đang bình yên của mình, đối với nhiều cặp đôi mới cưới vẫn còn là điều gì đó khá khó khăn. Có thể nói, bỗng chốc chúng ta được gọi bằng hai tiếng thiêng liêng hơn “cha – mẹ” là một cảm giác cực kỳ khó tả.
Câu chuyện đầu tiên về hành trình trưởng thành của cô bé Viên Viên được tác giả nhắc đến, chính là chuyện như cơm bữa đối với hai năm đầu đời của bất kỳ đứa trẻ nào trên toàn thế giới – tiêm chủng.
Bằng lời văn súc tích, không hoa mỹ, cách kể chuyện nhẹ nhàng Doãn Kiến Lợi đã vẽ lại hết sức chân thực buổi đi tiêm đầu tiên của con mình. Trong quá trình trưởng thành, con trẻ sẽ gặp phải không ít những chuyện khiến chúng cảm thấy khó khăn và sợ hãi, trách nhiệm của bố mẹ là giúp chúng khắc phục tâm lý sợ hãi, để con trẻ đối mặt với những chuyện này một cách tích cực, bình tĩnh, giảm đau đớn đến mức thấp nhất. Tác giả không cần dùng quá nhiều từ ngữ uyên thâm để giải thích và đưa lời khuyên cho vấn đề là: cha mẹ nên cư xử với con như thế nào mới đúng? Chỉ bằng cách kể lại chuyện con gái mình đi tiêm và bản thân đã chọn cách nói thật với con rằng “tiêm sẽ hơi đau một chút” chứ không cố tình lảng tránh vấn đề, tự khắc đứa trẻ như Viên Viên khi ấy vừa hơn hai mươi tháng tuổi bỗng trở thành đứa trẻ “dũng cảm nhất bệnh viện” vì tiêm mà không khóc lại còn rất vui vẻ.
Vai trò của người mẹ đối với các con, theo tôi, không cố định mà liên tục thay đổi theo thời gian trưởng thành của con trẻ. Ở những năm tháng đầu đời, chúng ta yêu thương con trẻ vô điều kiện và dễ đau xót khi thấy con mình bị thương hay vì đau mà bật khóc. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chúng ta dễ dàng nuông chiều theo cảm xúc của con. Khi con bắt đầu tuổi đến trường, chúng ta sẽ lại đóng vai một người thầy cùng chong đèn đọc sách với con, như cách tác giả cùng con gái mình học những bài thơ cổ đầu tiên và đồng thời học cách tôn trọng con trong việc cân nhắc kỹ trước khi tự đưa ra quyết định cho chính bản thân mình.
Cuối cùng, khi ở ngưỡng cửa cuộc đời, cô bé Viên Viên ngày nào nay đã bắt đầu ra dáng thiếu nữ đã biết thẹn thùng đỏ mặt, tác giả chọn đóng vai một người bạn để cùng khám phá hành trình cảm xúc của con, một cách nhẹ nhàng và đầy ý tứ.
Sau tất cả, quan trọng nhất là kiên nhẫn
Khi trẻ còn nhỏ, mọi tình huống trong cuộc sống đều có thể trở thành sự kiện hàm chứa ý nghĩa giáo dục quan trọng. Trong giáo dục trẻ em không có chuyện nhỏ, mỗi chuyện nhỏ đều cần được quan tâm như là “chuyện lớn”.
Cũng giống như nền giáo dục cũ ở Việt Nam, giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội Trung Quốc gây cho trẻ áp lực rất lớn về điểm số. Hoàn thành khối lượng bài tập lớn là thước đo cho sự khổ luyện thành tài của trẻ. Song song với đó, một vài yếu tố bên ngoài như trình độ hiểu biết và năng lực hạn chế của nhiều giáo viên và cha mẹ đã làm lệch lạc mục đích của học tập, biến việc học trở thành một gánh nặng cho trẻ.
Điển hình như cậu bạn học cùng lớp với Viên Viên vừa vào cấp một đã thuộc hơn 2000 chữ Hán. Ai cũng cho rằng cậu bé là thiên tài. Nhưng phía sau cái tên gọi rất kêu ấy, là những áp lực vô hình, sự thờ ơ lạnh nhạt của cha mẹ. Mỗi ngày từ trường trở về, thay vì sẽ nhận được là cái thơm má của mẹ hay một mâm cơm ngon thư thả, cậu lại chỉ ăn vội vàng và quay về với bốn bức tường dán chi chít chữ là chữ. Sự kỳ vọng quá cao của cha mẹ vô tình đã cướp đi tuổi thơ của con.
Câu “Có công mài sắt có ngày nên kim” với tôi vẫn luôn là chân lý từ ngàn đời nay.
Doãn Kiến Lợi có viết rằng: “Các bậc phụ huynh cần đứng trên góc độ của con trẻ để nhìn nhận vấn đề, đừng bắt ép con trẻ sống theo lối sống mà người lớn áp đặt cho chúng.” Bởi “trẻ em là một thế giới tồn tại độc lập hoàn mỹ, trong cơ thể bé nhỏ của chúng ẩn chứa sức sống mạnh mẽ vô biên, trong quá trình trưởng thành chúng có một tiềm lực biểu đạt tự mình nhào nặn, tự mình thành hình, giống như bên trong một hạt giống có ẩn chứa rễ, lá, hoa, trong điều kiện thích hợp tự nhiên sẽ phát triển.” Đây quả là tư tưởng hiện đại, đầy cầu tiến thật sự rất đáng để những ai đang là cha mẹ nhưng chỉ chăm chăm vào thành tích của con hay việc bắt ép chúng phải nói hết những suy nghĩ trong đầu mà không chừa một khoảng riêng tư cho con được tự do trong chính thế giới của mình cần nên học hỏi.
Điều khiến tôi khá bất ngờ là khi ra mắt, cuốn “Người mẹ tốt hơn người thầy tốt” không hề có những màn quảng cáo rầm rộ, chính nội dung và cách kể chuyện của tác giả đã khiến cuốn sách tự nó trở nên xứng đáng để gối đầu giường cho bất kỳ ai sắp và đã trở thành cha mẹ.
Bản thân tác giả là một nhà giáo, một chuyên gia giáo dục có nhiều năm làm công tác giảng dạy, tư vấn và nghiên cứu giáo dục gia đình, nhưng trên hết chị còn là một người mẹ. Vì vậy, ngoài những quan niệm giáo dục độc đáo đầy trí tuệ, khi đọc “Người mẹ tốt hơn người thầy tốt” chúng ta còn có thể bắt gặp tình yêu con sâu sắc ngập tràn trong từng trang viết của chị.
Những điều tâm đắc
Tôi nghĩ không chỉ tôi, mà ai đang làm cha mẹ khi đọc “Người mẹ tốt hơn người thầy tốt” cũng sẽ dễ dàng tìm thấy hình ảnh chính mình với nhiều tình huống quen thuộc, nhưng lại xử lý vụng về, khiến con trở nên lúng túng, khép mình hoặc tệ hơn nữa là đánh mất sự tự tin.
Sách nêu rõ ba phương diện khác nhau trong việc nuôi dạy con và hành trình trưởng thành của một đời người: Tâm hồn, trí tuệ và thể xác.
Ví như:
- Lòng bao dung, sự trung thực nơi con trẻ là cội nguồn của mọi vấn đề về cảm xúc.
- Giới hạn của chiều con và tôn trọng con làm theo ý mình.
- Bồi dưỡng niềm đam mê học tập thay vì những khen thưởng, chê trách vô tội vạ.
- Làm bài tập cùng con hay làm thay con?
- Xử lý những trường hợp như: Có nên trêu con bằng những câu đùa gây ảnh hưởng trực tiếp đến tâm sinh lý của con?
- Giải thích gì khi con hỏi về những nhân vật cổ tích rằng liệu có thật hay không? Làm gì để con tự giác bớt xem tivi, tự giác ăn uống?
- Trẻ em tự kỷ, nỗi nhức nhối của nhiều bậc phụ huynh..v..v
“Người mẹ tốt hơn người thầy tốt” đã làm tròn nhiệm vụ của mình khi vẽ nên bức tranh chân thật về tâm sinh lý của mỗi đứa trẻ trong quá trình lớn lên, thông qua những câu chuyện trưởng thành của Viên Viên.
Hy vọng rằng, hình ảnh cô bé Viên Viên thông minh lanh lợi, đôi lúc tinh nghịch đôi lúc trầm buồn nhưng vẫn luôn mang sự hồn nhiên và thế giới đầy màu sắc của một đứa trẻ sẽ giúp bạn và cả tôi, chúng ta phần nào tìm được điểm tháo gỡ cho các nút thắt trong hành trình nuôi dạy con của mình.
Chúc cho những đứa trẻ cho dù ở bất kỳ thế hệ nào cũng sẽ được khôn lớn và tận hưởng tuổi thơ của mình một cách toàn diện.