Bạn có biết tên đầy đủ của Picasso! Pablo Diego José Francisco de Paula Juan Nepomuceno María de los Remedios Cipriano de la Santísima Trinidad Ruiz y Picasso.
Và “Những cô nàng ở Avignon là bức tranh đầu tiên Picasso thực sự là chính mình… là thời điểm ông ngừng kiểm soát những bản năng xấu xa của mình, để mặc chúng thỏa sức tung hoành.”
Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt được xếp vào tủ sách tiểu sử, song Picasso là hoạ sĩ thiên tài nên đọc cuốn sách này, người đọc sẽ có cảm nhận mình đang thưởng thức nghệ thuật thông qua ngôn từ. Bản thân tôi là kẻ thô lậu, thưởng thức nghệ thuật hội hoạ, âm nhạc đúng kiểu “đàn gảy tai trâu” thế nhưng mỗi khi có cơ hội, tôi vẫn chẳng đắn đo mà tiếp cận. Tôi tin rằng những kiến thức mà từng chút, từng chút tôi thu thập, tích lũy được sẽ như một dòng nước ngọt lành tưới tắm cho tâm hồn khô khan của mình. Đó là lý do tôi tìm đến những cuốn sách nghệ thuật, đặc biệt là Picasso và bức tranh khiến cả thế giới sửng sốt – cuốn sách mà tôi biết rằng, rất có thể, sau khi đọc xong, tôi vẫn tiếp tục sửng sốt bởi vì những bức tranh kia có thể khiến “cả thế giới sửng sốt”.
Picasso và bức tranh khiến cả thế giới sửng sốt không viết theo trình tự thời gian thông thường mà được bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ của người họa sĩ lừng danh đã bước qua tuổi lục tuần với người tình trẻ 24 tuổi vừa tốt nghiệp đại học. Mỗi câu chuyện, mỗi tình tiết được hồi tưởng đều hướng về bức tranh Những cô nàng ở Avignon “cơn cuồng nộ đầy man dại”; đồng thời cuộc đời của người họa sĩ thiên tài với những phân tích, nhận định sâu sắc về nghệ thuật và hội họa hiện lên thật sống động, sắc nét. Mỗi câu chuyện đầy lãng tử được kể, mỗi tình huống được đề cập đều mang những ẩn ý sâu sắc phản ánh sự bấp bênh trong tiềm thức của Picasso – kẻ được cho là kiêu ngạo đến tự mãn cũng đồng thời là kẻ mang trái tim trống rỗng, tuyệt vọng và luôn khao khát thấy vị trí của mình trong trái tim của kẻ khác. Picasso bị ám ảnh khôn cùng bởi tình dục và cái chết – sự thăng hoa và nỗi tuyệt vọng. Sự tuyệt vọng ấy có lẽ bắt nguồn từ cái chết của cô em gái mà ông yêu quý. Lập lời nguyện sẽ từ bỏ cọ vẽ nếu em được sống, cái chết của em gái sau khi cậu phá bỏ lời hứa không lâu đã giày vò, dằn vặt và đau đớn khôn cùng. Chính những đau đớn, dằn vặt ấy đã hóa thân vào nét cọ và thể hiện trong nhiều tác phẩm của ông.
Ở chương thứ hai, tác giả đưa người đọc về với tuổi niên thiếu của một “đứa trẻ nổi loạn”. Cha của Picasso vốn là một thầy giáo dạy vẽ theo thiên hướng hàn lâm. Sớm nhận ra năng khiếu của con trai, ông đã gắng sức kèm cặp, rèn giũa để Picasso phát triển một cách chuẩn mực trong hội họa truyền thống. Sự thành công sớm sủa với những giải thưởng danh giá khi còn nhỏ tuổi cũng không thể “níu chân” Picasso khỏi sự bứt phá khỏi những tỉ lệ tuyệt mỹ để đến với sự đảo lộn mang tính cường điệu, biếm họa.
Cuốn tiểu sử khép lại với đoạn văn khắc khoải, u buồn “Rốt cuộc thì chẳng có danh vọng nào, chẳng có giàu sang cũng như chẳng cuộc tình nào có thể bảo vệ ông khỏi kẻ thù tàn ác nhất: Thời gian nghiệt ngã và gã đồng minh xảo quyệt của nó – cái Chết” cùng những hoài niệm của Picaso về quãng đời rực rỡ của cuộc đời mình. Với 91 năm tuổi thọ, người họa sĩ với tài năng thiên bẩm Picasso đã để lại cho cuộc đời cả kho tàng nghệ thuật đỉnh cao.
Và thật lạ lùng, một cuốn sách tiểu sử của một họa sĩ lại có thể “đời” và mang tính lịch sử đến thế. Những sự kiện, những cuộc chiến tranh đi qua đều được ghi lại dựa trên những ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của Picasso một cách chân thực và đầy sống động. Bức tranh Cảnh ném bom ở Guernica năm 1937 đã miêu tả nỗi kinh hoàng của chiến tranh bằng những chi tiết chấm phá đầy nghệ thuật theo trường phái lập thể quen thuộc đã trở thành tác phẩm phản chiến tiêu biểu của ông cũng như của giới nghệ thuật lúc bấy giờ.
Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt được chắp bút bởi tác giả Miles J. Unger – cây bút chuyên về nghệ thuật và văn hoá, giống như một cuốn tiểu thuyết về lịch sử và nghệ thuật mà ở đó, cuộc đời đấy bí ẩn, thăng trầm của Picasso trở nên sống động, rất thực, rất đời. Đọc cuốn sách này, người đọc không những được mở mang về góc nhìn nghệ thuật – vốn chẳng dễ dàng với trường phái lập thể và còn hiểu một cách khá tường tận về tâm tư, bi kịch nội tại của một thiên tài.