Trang chủ » Cách đọc sách hiệu quả?

Cách đọc sách hiệu quả?

Đọc sách đặc biệt là đối với những bạn ít đọc hoặc bắt đầu muốn tạo thói quen đọc là một chủ đề được nhiều bạn quan tâm. Điều khó khăn ban đầu chính là làm sao để cảm thấy yêu thích, thú vị mỗi khi đọc sách? và qua đó rèn luyện được tính kiên trì trong quá trình đọc.

Làm sao để thói quen đọc sách hình thành? làm sao để bạn cảm thấy thoải mái mỗi khi cầm sách trên tay? và dĩ nhiên một thực trạng chung cần giải quyết là làm sao đọc mà không buồn ngủ? Có những cách nào để xây dựng kế hoạch đọc sách hiệu quả cho riêng bạn? Chia sẻ sau đây mình sẽ tiết lệ cách mà mình áp dụng, bạn có thể tham khảo, điều chỉnh cho phù hợp và áp dụng nhé!

1. Đọc sách hãy bắt đầu từ những điều bạn yêu thích

Cách này dành cho bạn nếu bạn chưa thật sự thích đọc sách, thậm chí là hoàn toàn không thích đọc sách. Điểm chung của nhiều người hiện tại là rất thích mua sách, xem đánh giá sách, thảo luận về sách nhưng lại khá lười đọc. Đây cũng là mình trước đây, mình có thể mua bất cứ tựa sách nào hay, best seller hay cảm thấy tâm đắc về một đoạn trích nào đó nhưng nhiều năm liền chúng vẫn nằm trên tủ sách của mình. Và mình tin cũng có nhiều bạn như mình. Do đó, việc bắt đầu đọc từ những quyển sách bạn thích nhất chính là mồi lửa nhen nhóm khả năng rực cháy khao khát đọc sác của bạn mỗi ngày.

Nếu bạn yêu thích truyện tranh hãy bắt đầu bằng những bộ truyện ngắn, ít tập mà bạn yêu thích. Có nhiều quan điểm về việc thích đọc truyện nhưng chưa chắc thích đọc sách. Điều đó đúng nhưng không hoàn toàn, đặc biệt là việc tiếp cận truyện tranh sẽ dần dần hình thành thói quen đọc sách dễ hơn. Tiêu chí gợi ý là bạn nên: đọc truyện bạn thích, nội dung không quá dài, điều này sẽ giúp bạn không bị chán so với cầm trên tay vài trăm trang giấy?

Tương tự nếu bạn yêu thích thể loại tiểu thuyết, ngôn tình,… hãy bắt đầu bằng những quyển bạn thích. Bạn sẽ ngạc nhiên về khả năng đọc của bạn chỉ sau vài tháng.

Làm thế nào để biết bạn yêu thích tựa sách nào?

Hãy tham gia vào các nhóm đọc sách, hội yêu sách, đánh giá và giới thiệu sách. Khi thấy mọi người xôi nổi bàn tán, thảo luận những tựa sách có nội dung bạn thấy hứng thú và nhiều người gợi ý. Đừng bỏ lỡ hãy theo dõi và xem mọi người thảo luận gì? mục lục sách có gì? trước khi tìm mua. Hiện tại, đa số các tác giả khi xuất bản sách đều chia sẻ một phần nội dung giới thiệu trên facebook, kênh youtube và blog cá nhân của họ. Ngoài ra, các đơn vị bán sách online cũng đăng tải đầy đủ những thông tin này cho bạn tham khảo.

Hãy để ý, cũng như trong cuộc sống vậy. Các vấn đề, công việc yêu thích bạn luôn luôn làm nó tốt và thoải mái hơn. Đọc sách cũng tương tự theo cách nào đó. Bạn sẽ không bị nhàm chán, bỏ cuộc giữa chừng.

Mỗi ngày một chút bạn sẽ tích lũy được kỹ năng đọc một cách dễ tiếp cận và thích nghi nhất.

Cách Đọc Sách Hiệu Quả? (Ảnh: Google)
Cách Đọc Sách Hiệu Quả? (Ảnh: Google)

2. Đọc sách đừng vội, bạn cần hiểu nó!

Có rất nhiều phương pháp đọc , trong đó có phương pháp đọc nhanh, phương pháp đọc chậm hoặc kết hợp cả 2. Tuy nhiên, áp dụng phương pháp nào vào loại sách nào và thời điểm nào lại là yếu tố rất quan trọng. Nếu mới bắt đầu thì tốt nhất bạn chưa nên thử đọc nhanh bởi đa số đây là các phương pháp đọc nâng cao. Ngược lại, đọc chậm sẽ giúp bạn dễ chịu và nghiền ngẫm ý nghĩa từng câu từng chữ rõ ràng hơn. Đọc chậm cũng rèn luyện thêm trí nhớ dài hạn, thông tin cũng được lưu trữ tốt hơn. Đặc biệt ở các tựa sách lớn, nhiều tập đọc chậm giúp bạn giữ mạch đọc xuyên suốt, kết nối các vấn đề tốt hơn.

Đọc sách việc hiểu và trải nghiệm nội dung bên trong quan trọng hơn là số lượng sách đọc được.

Nhiều người đọc rất nhiều sách nhưng thực sực không lĩnh hội hết những thông điệp mà sách truyền tải dẫn tới việc chán đọc, bỏ dở giữa chừng. Có những quyển sách đòi hỏi phải đọc đi đọc lại nhiều lần, đơn cử là “Nhà Giả Kim” của tác giả Paulo Coelho (dịch giả Lê Chu Cầu).

Vậy, đọc chậm sẽ giúp bạn giữ được mạch đọc, có thời gian chiêm nghiệm, cảm thụ nội dung tốt hơn, hãy từ tốn hưởng thụ từng câu chữ quyển sách bạn đang đọc nhé!

3. Mở rộng các thể loại sách

Việc đọc mãi 1 thể loại sách cũng có thể khiến bạn mau chán. Nếu bạn yêu thích thể loại ngôn tình thì bạn có thể thử đọc tản văn, tiểu tuyết lãng mạng hay kỹ năng sống,… Việc đọc nhiều loại sách, nhiều tác giả, dịch giả khác nhau sẽ giúp bạn có thêm kiến thức hữu ích, nâng cao kỹ năng đọc, đa dạng câu từ, phát triển nhân sinh quan. Thời gian sau bạn sẽ ngạc nhiên khi bạn có khả năng tiếp thu những tựa sách cùng thể loại nhanh hơn trước rất nhiều. Lúc này sẽ là thời điểm thích hợp và thuận lợi hơn nếu bạn muốn phát triển những phương pháp đọc nhanh và siêu nhanh khác.

Điểm lưu ý bạn cần vượt qua khi áp dụng cách này là bạn cần kiên trì, cố gắng và thích nghi dần việc đọc các thể loại sách mình không ưa thích. Nếu càng đọc bạn càng thấy hứng thú thì chúc mừng bạn đó có thể là khởi điểm cho một thể loại sách mới ưa thích của bạn sắp tới. Ngược lại, bạn có thể dừng và tìm một tựa sách của tác giả có cách hành văn khác, thậm chí đổi thể loại khác xem sao.

Mẹo: trước đây khi vướng vào tình trạng này thì mình thường quay lại đọc tựa sách thuộc thể loại mình yêu thích để lấy lại cảm giác hứng thú khi đọc.

Hãy ghi nhớ, cố gắng vượt qua giới hạn mà bạn nghĩ đó là giới hạn của bạn, ngày qua ngày rèn luyện tâm trí chấp nhận mọi thử thách trước mọi thể loại sách bạn nhé! Dĩ nhiên, cũng cần phải hiểu bản thân muốn gì và cân nhắc đọc sách có chọn lọc để tránh mất thời gian quý giá của bạn.

Sẽ không có một quyển sách nào phù hợp cho tất cả mọi người!

4. Vận dụng, cảm nhận và chiêm nghiệm

Mỗi quyển sách và những thông điệp mà tác giả muốn truyền tải đều có ý nghĩa nhất định, trong những trường hợp nhất định nào đó trong đời. Có những trải nghiệm trong sách mà có thể vài năm sau khi đọc lại bạn sẽ có cảm nhận hoàn toàn khác so với thời điểm bạn đọc. Nhà Giả Kim là một tiểu thuyết ngắn mình đọc lại khác nhiều và sau mỗi lần đọc mình lại có những trải nghiệm, cách nhìn hoàn toàn khác cho những sự kiện diễn ra trong sách.

Sự hiểu biết, tuổi đời của mỗi người sẽ chiêm nghiệm mọi thứ hoàn toàn khác nhau.

Vận dụng và chiêm nghiệm bất cứ khi nào có thể. Một quyển sách dạy kỹ năng sống, dạy nấu ăn hay truyền đạt kinh nghiệm của những người thành công sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn không chiêm nghiệm và lĩnh hội được điều mà tác giả muốn truyền tải.

Hãy đọc đi đọc lại khi bạn cảm thấy mình chưa thật sự hiểu nội dung vừa đọc.

5. Đọc sách nên có kế hoạch

Kế hoạch đọc sách nghe có vẻ nghiêm trọng nhưng để tạo được thói quen đọc sách thì điều này rất quan trọng. Kế hoạch thường gắn liền với tính kỷ luật và đây là một trong những yếu tố tốt để rèn luyện và hình thành 1 thói quen.

Vậy:

Xây dựng kế hoạch đọc như thế nào là hợp lý? điều này bạn cần phải dựa vào quỹ thời gian, khả năng đọc để lên lịch trình cho phù hợp. Thực tế sẽ không có một cách thức nào phù hợp cho tất cả mọi người. Do đó, mình chỉ gợi ý mục tiêu và kế hoạch mà mình từng áp dụng thành công trước đây như sau:

  • Lên kế hoạch đọc cho cả tuần hoặc tháng.
  • Đọc thể loại bạn yêu thích. Đừng gò bó bản thân đọc những gì khiến bạn không thoải mái.
  • Đọc mỗi ngày 30 phút hoặc 1 chương ngắn trước khi ngủ hay sáng sớm tùy vào quỹ thời gian của bạn. Lịch biểu có thể cách ngày nghỉ ngày đọc để lừa não bộ rằng ngày mai sẽ được nghỉ. Mình thì thích đọc vào buổi sáng hoặc trưa hơn vì buổi tối nếu trải nghiệm được thông tin hay thì mình thường rất khó ngủ.
  • Chỉ đọc những tựa sách có số lượng trang vừa phải từ <300 trang đổ lại. Điều này quan trọng ở giai đoạn đầu khi bạn chưa có thói quen đọc sách.

Kế hoạch đọc sách dài hạn

Ở trên mình có gợi ý kế hoạch đọc mà mình tiếp cận và rèn luyện thói quen đọc ban đầu. Sau một khoảng thời gian nhất định thì những kế hoạch đọc sách của bạn cần linh động và dài hạn hơn. Cá nhân mình sau 3 tháng duy trì kế hoạch trên mình đã xây dựng lại những kế hoạch có nhiều phương án dự phòng hơn cho cả năm.

Chắc chắn sẽ không có một kế hoạch cụ thể nào phù hợp cho tất cả mọi người, do đó bạn có thể tham khảo và tự lập ra cho mình những kế hoạch phù hợp nhất và kiên trì tuyệt đối thực hiện.

Mỗi chương sách đã đọc, mỗi trải nghiệm tâm đắc bạn hãy note nó lại trên blog cá nhân, facebook, groups để chia sẻ cùng mọi người. Điều bạn cảm nhận có thể mọi người xung quanh bạn cũng đang cần đó, biết đâu một đoạn trích tích cực sẽ giúp bạn bè có thêm động lực giải quyết các vấn đề đang có. Sau này khi có nhiều thời gian rảnh, bạn đọc lại những trải nghiệm đã lưu cũng là một cảm giác khá thú vị, thậm chí góp phần chữa lành tâm trí bạn.

Bất cứ việc gì khi có kế hoạch và kỷ luật cũng sẽ có kết quả tốt hơn rất nhiều so với làm ngẫu hứng không có mục đích cụ thể.

Đọc sách là một trong những việc cần có kế hoạch chi tiết và kiên trì.

Thời gian đọc sách. (Ảnh: google)
Thời gian đọc sách. (Ảnh: google)

Đọc sách giấy, máy đọc sách hay các thiết bị đọc khác?

Đây cũng là một trong nhưng vấn đề gây tranh cãi trước đây. Tuy nhiên, mình thấy bạn đọc bằng bất cứ hình thức nào đều được miễn nó phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế của bạn là được. Như mình thì:

  • Máy đọc sách, điện thoại, máy tính bảng: lúc nào cũng có sẵn những đầu sách mình đang đọc chuẩn bị trong đó. Sử dụng thiết bị đọc sẽ hỗ trợ bạn linh động hơn mỗi khi đi xa và bạn có thể đọc bất cứ đâu, bất cứ lúc nào bạn muốn. Trong trường hợp này tốt nhất bạn nên đầu tư máy đọc sách.
  • Đọc sách giấy: mình thường đọc khi ở nhà vì mình vẫn thích cảm giác cầm trên tay quyển sách giấy hơn.
  • Laptop, máy tính: thường thì mình ít đọc sách trên đây. Mình chỉ dùng để tham khảo những đầu sách cũng như chuyển đổi các tập tin sách cho phù hợp với máy đọc sách của mình..

Thời gian đọc sách

Đây là yếu tố quan trọng trước khi bạn lên kế hoạch đọc. Cố gắng sắp xếp sao cho mỗi khi rảnh rỗi và thoải mái bạn đều có thể sẵn sàng đọc. Bạn đừng gò bó về số lượng, bạn có thể đọc lại vào thời điểm khác nhiều thời gian hơn trong kế hoạch của bạn. Ngày nghỉ là khoảng thời gian có thể sắp xếp lịch đọc nhiều hơn nếu các ngày trong tuần bạn bận rộn công việc.

Kế hoạch hiện tại của mình thì thời gian sáng sớm mỗi khi thức dậy tầm 15-45 phút mình giành cho việc đọc. Sau đó mình tập thể dục, ăn sáng và làm việc khác. Thứ 7 và Chủ Nhật thì mình đọc mỗi khi mình rảnh và không có việc gì quan trọng. Buổi tối thì mình khá ít đọc vì mình hay khó ngủ mỗi khi có điều gì đó khúc mắc trong đầu. Nếu có thể bạn nên thử cân nhắc đọc vào buổi chập tối trước giờ ngủ vài tiếng xem sao.

Cân nhắc việc đọc sách quá khuya nếu không những nội dung đọc được sẽ khiến bạn khó ngủ, đặc biệt là tiểu thuyết, trinh thám.

Khi bạn kiên trì tuân theo kế hoạch đọc của bạn, theo thời gian “thói quen đọc sách” sẽ hình thành và trở thành việc không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Khi có thói quen tốt rồi bạn có thể linh động điều chỉnh kế hoạch của bạn hoàn thiện hơn.

Thói quen đọc sách

Để hình thành một thói quen mới thì khó khăn nhất chính là bạn cần có tính kỷ luật bản thân, kiên trì và chút bản lĩnh. Bạn cần tập hạn chế và từ chối những cuộc hẹn đi chơi, cafe, xem phim, đi ăn,… Dĩ nhiên những buổi họp mặt, gặp gỡ những người quan trọng, những sự việc quan trọng thì bạn nên cân nhắc ưu tiên hơn.

Cố gắng duy trì các kế hoạch đọc sách đã đề ra trước đó thì bạn sẽ đạt được thói quen đọc sách chỉ sau vài tháng.

Mục đích đọc sách

Phần quan trọng nhất trong mọi kế hoạch đọc của bạn đó là mục đích. Đọc sách để nâng cao kiến thức và sự hiểu biết là tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn đặt ra mục tiêu để hướng tới. Mỗi người có sở thích và khả năng đọc riêng. Mình gợi ý một số mục tiêu bạn có thể tham khảo:

  • Mỗi tháng phải đọc xong bao nhiêu quyển sách chẳng hạn? hãy viết rõ ra trong kế hoạch đọc sách.
  • Lên danh sách những quyển sách phải đọc? nếu đọc sách học thuật hoặc phục vụ công việc thì tiêu chí này khá quan trọng, nó giúp bạn tập trung đọc và học hỏi những kiến thức cần thiết hơn.
  • Đối với những đầu sách dài, nhiều chương, nhiều phần bạn nên sắp xếp kế hoạch dài hạn để đọc chúng thay vì cố hấp thu trong khoảng thời gian ngắn.
  • Đọc sách, đọc truyện để giải trí hay nâng cao kỹ năng bản thân, học thuật,…

Trong quá trình đọc, cân nhắc lựa chọn những phương pháp đọc phù hợp:

  • Đọc chậm.
  • Đọc nhanh.
  • Hoặc sử dụng cả 2.

Đọc sách dừng ngay khi bạn muốn

Nghe có vẻ không hay nhưng đây là điều quan trọng nên cân nhắc. Ngay khi cảm thấy thông tin quyển sách không phù hợp hoặc đơn giản bạn không muốn đọc chúng nữa? Bạn có thể ngừng đọc luôn hoặc đọc lướt và loại bỏ những nội dung bạn không quan tâm. Điển hình là những đầu sách dạng tản văn, nhiều tình huống, mô típ lặp đi lặp lại hoặc nội dung không phù hợp với thực tế trải nghiệm của bạn.

Đọc sách bạn nên có thói quen:

Chỉ tiếp nhận những thông tin hữu ích và cần thiết mà bận cần.

Thực tế mỗi chúng ta không có nhiều quỹ thời gian như chúng ta nghĩ. Do đó, bạn cần phải cân nhắc và phân bổ càng chi tiết càng tốt quỹ thời gian của mình trong việc đọc sách, công việc và cuộc sống cũng như lựa chọn những đầu sách thực sự cần thiết cho mình thôi nhé!

Để lại một bình luận