Trang chủ » Cuốn theo chiều gió – Magaret Mitchell

Cuốn theo chiều gió – Magaret Mitchell

“Cuốn theo chiều gió” của Magaret Mitchell là bộ tiểu thuyết kinh điển đã làm say lòng của biết bao thế hệ độc giả. Chẳng phải chỉ rượu mới khiến người ta chếnh choáng say, chẳng phải chỉ món ăn ngon mới làm người ta nhớ mãi. Một tác phẩm tuyệt vời có thể tạo nên sự lôi cuốn diệu kỳ. Đặc biệt, chính sự hấp dẫn của cuốn sách đã góp phần làm nên thành công khi tác phẩm được chuyển thể thành phim.

“Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới”

Khi mới ra đời, “Cuốn theo chiều gió” đã được các độc giả Mỹ đón nhận nồng nhiệt. Sau đó, tác phẩm đình đám này đã được dịch qua hơn ba mươi thứ tiếng và còn được chuyển thể thành sách cho người mù đọc. Cho đến tận ngày nay, ở Việt Nam đã có nhiều bản “Cuốn theo chiều gió” khác nhau với những dịch giả nổi tiếng như Dương Tường, Vũ Kim Thư và vừa mới đây Đinh Tị đã phát hành bản dịch hoàn toàn mới của Dạ Thảo lại khiến “Cuốn theo chiều gió” lại nổi lên một lần nữa. Riêng bản của Bestbooks thì được nhiều độc giả ưa chuộng vì giá thành vừa phải, hay sale, bìa sách rực rỡ, giấy mịn.

Cuốn theo chiều gió - Magaret Mitchell (Ảnh: Thúy Diễm)
Cuốn theo chiều gió – Magaret Mitchell (Ảnh: Thúy Diễm)

Vì sao cuốn sách lại được nhiều người mê mẩn đến vậy? Bởi nó hấp dẫn đến nỗi đã đọc rồi thì khó lòng mà dứt ra được. Dồi dào bút lực và cùng với sức hút của những con chữ, Magaret Mitchell đã đem người đọc đến với những thăng trầm, biến đổi của miền Nam nước Mỹ thế kỷ 19 vào thời kì chiến tranh loạn lạc cùng bao mất mát, đau thương và giai đoạn khủng hoảng sau tái thiết. Trong đó, nhân vật trung tâm, làm nên cái hồn của tác phẩm là Scarlett O’hara, một cô gái xinh đẹp và có sức sống mạnh mẽ.

Tác phẩm thật sự rất xuất sắc trong nghệ thuật tự sự. Dù là kể về giai đoạn trước, trong nội chiến hay giai đoạn tái thiết thì lớp lớp các sự kiện đều được khai thác cụ thể và sinh động, giàu sức gợi. Hết sự kiện này đến sự kiện khác cứ tiếp nối như tầng tầng mây chồng chất nhưng chúng không đều đều gây nên sự nhàm chán mà có kịch tính, cao trào, có thắt nút, mở nút, có những đoạn tả cảnh tài tình, những đoạn đối thoại giàu ý nghĩa… Người đọc hết hồi hộp, tò mò, lo lắng, buồn, vui cùng nhân vật rồi đến mong chờ sự việc tiếp theo. Càng đọc thì ta càng say sưa, càng bị cuốn vào mạch truyện.

Góp phần lớn tạo nên thành công vang dội cho tác phẩm là nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật. Trải nghiệm cùng tác phẩm, người đọc sẽ sẽ không bao giờ quên được một Melanie Hamilton dịu dàng, đôn hậu, vị tha, luôn sống hết lòng vì người khác, một Ashley Wilkes hiền lành, luôn nhớ tiếc quá khứ, chống chếnh khi những lề lối cũ đã sụp đổ hoàn toàn, một Rhett Butler ngang tàng, thông minh, nhạy bén với thời cuộc nên luôn biết chớp lấy thời cơ, có lúc Rhett dịu dàng mà có khi cũng tàn nhẫn, trơ tráo… Hàng loạt các nhân vật phụ cũng có những tính cách đặc sắc riêng không hề mờ nhạt.

Nhưng để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi là Scarlett O’Hara, một cô gái sống rất đời, rất thật với bản tính của mình. Cô được sinh ra để trở thành một kẻ chống đối, một người dám vượt rào, phá bỏ những định kiến, những bất công mà người phụ nữ phải chịu đựng. Giữa một xã hội mà người phụ nữ phải làm bộ làm tịch để được xem là một quý cô tao nhã, đúng mực thì Scarlett lại phản kháng. Cô chán ngấy việc đóng kịch ăn nhỏ nhẹ như chim trong khi phía trước mặt có biết bao nhiêu là món ngon hấp dẫn, cô ghét cay ghét đắng phải giả vờ ngợi khen những người đàn ông não phẳng, kém cỏi hơn mình. Cô chán ghét những qui tắc, lề lối, khuôn phép bất công, gây sự mệt mỏi và khóa kín ước muốn được sống thật với chính mình của người phụ nữ. Scarlett dám vẫy vùng, dám chống đối, gạt bỏ ngoài tai những lời xầm xì, chỉ trích. Đôi lúc, cô đáng trách nhưng cũng lắm lúc cũng thật đáng thương khi chỉ là một con chim lẻ đàn, phải tự mình chống chọi với gian nan.

Trong hành trình cuộc đời của Scarlett, người đọc sẽ bắt gặp những hội hè, đình đám, những xa hoa, lộng lẫy, êm đềm, nhàn nhã của xã hội thượng lưu, đồng thời cũng chua xót trước những lằn roi ê buốt mà chiến tranh để lại, những nhục nhã, chua xót mà biết bao người dân miền Nam phải gánh chịu. Mạch truyện cứ như một con dốc, đọc sách là ta bước lên chiếc xe không phanh mà thả dốc thế nên ta cứ bị lôi tuột vào các câu chuyện đan xen, chồng chéo lên nhau.

Bên cạnh tái hiện lại một giai đoạn của lịch sử nước Mỹ, cuốn sách cũng thật nhân văn khi đề cập đến vấn đề tình yêu, lý tưởng, trách nhiệm. Cái kết có phần khiến tôi hụt hẫng nhưng câu nói “Ngày mai là một ngày khác” lại mở ra một hi vọng, một niềm tin vào viễn cảnh tươi đẹp.

Đọc ngàn lời giới thiệu đi chăng nữa thì chắc chắn rằng, ta vẫn chưa cảm nhận được đủ nét những gì mà “Cuốn theo chiều gió” đã chuyển tải. Có quá nhiều điều hấp dẫn ở tác phẩm này, chỉ khi nào đọc nó, đắm chìm vào không gian mà Magaret Mitchell tái dựng, bạn mới có thể cảm nhận rõ nhất sự tuyệt vời của nó.

XEM THÊM

Thảo luận của bạn