Khi nhắc đến bản quyền tại Việt Nam thì phần mềm, ứng dụng và sách là hai chủ đề được đưa ra thảo luận khá nhiều. Cơ bản trong các cuộc thảo luận này sẽ có 4 nhóm:
- Ủng hộ.
- Chưa ủng hộ.
- Trung lập.
- Tùy trường hợp mà ủng hộ hoặc không.
Dưới góc nhìn cá nhân trong nội dung này mình sẽ chia sẻ quan điểm về bản quyền sách. Mọi người có thể tham khảo và cùng thảo luận nhé!
Đầu tiên đối với sách thì mình nằm trong nhóm thứ 1 đó là tôn trọng và ủng hộ bản quyền tác giả sách. Chính xác là mình nói không với sách lậu. Để làm được điều này chúng ta cần xác định sách có bản quyền là gì? và làm sao để không mua phải sách lậu?
Bản quyền sách là gì? sách có bản quyền là gì?
Một điểm mà có lẽ nhiều mọt sách có thể chưa nắm rõ đó chính là sách có bản quyền và sách không có bản quyền cơ bản khác nhau ở phần sách được xuất bản, in ấn hợp pháp theo quy định của nhà nước. Tức là trong đó có sự ủy quyền của tác giả trực tiếp hoặc gián tiếp với đơn vị xuất bản.
Điều này đồng nghĩa là những quyển sách dù in ấn chất lượng giấy, mực in, hình ảnh và hình thức đóng gói cực kỳ tốt mà không được tác giả, đơn vị quản lý tác quyền cho phép đều là sách không bản quyền, sách lậu. Ngược lại, sách dù có thể in ấn chất lượng không tốt nhưng được cấp phép thì đó là sách có bản quyền.
Do đó, việc mua sách ở các nhà sách lớn, uy tín hay các nhà sách online thì bạn có thể an tâm hơn về vấn đề bản quyền sách. Những nhà sách lớn họ kinh doanh và phát triển từ sách nên vấn đề vi phạm tác quyền, in lậu cũng ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của họ.
Đối với những cửa hàng sách, hiệu sách nhỏ thì việc vi phạm tác quyền dễ xảy ra hơn bởi vì ở nguồn sản phẩm bán ra có thể được giao bởi các đơn vị, cá nhân in ấn nhỏ lẻ. Kiểm soát tác quyền tại các cửa hàng này cũng khó vì đa số là hộ kinh doanh cá thể.
Làm sao để biết và mua sách có bản quyền?
Cách tốt nhất là bạn chỉ mua ở các nhà sách lớn, nhà sách online uy tín. Các đơn vị này đều phân phối các đầu sách của rất nhiều công ty in ấn, nhà xuất bản hợp pháp vì vậy bạn có thể an tâm hơn khi mua sách.
Hệ thống một số nhà sách mà bạn có thể an tâm mua sách có bản quyền:
- Nhà sách Fahasa.
- Nhà sách Phương Nam.
- NXB Kim Đồng.
- Nhà sách Hà Nội.
- Nhà sách Xuân Thu.
- Nhà sách Nguyễn Văn Cừ.
- Nhà sách Tổng Hợp.
Đơn vị bán sách online và các nhà sách trực tuyến:
Hãy ủng hộ tác giả bằng việc mua sách có bản quyền
Nhìn chung giá bán một quyển sách hiện tại không quá đắt so với mặt bằng chi tiêu. Khi được tiếp cận một quyển sách, ebook, audio book và thông tin truyền tải của nó hữu ích với bạn thì bạn nên mua quyển sách đó hay ebook có bản quyền để ủng hộ tác giả, đơn vị xuất bản.
Mình thường tìm và đặt mua những quyển sách mà mình đã đọc tầm 1/3 ebook tải được trên mạng (nếu có), ngược lại mình sẽ không mua và cũng không đọc tiếp ebook đó nữa. Ở phần này mình thấy ebook không tác quyền đôi khi cũng có điểm lợi của nó vì nó có thể phần nào gián tiếp mang lại khách hàng cho tác giả. Thật sự đối với một số đầu sách việc đọc phần mục lục và giới thiệu là không đủ để người đọc quyết định mua. Do đó, việc xem đánh giá sách từ những người đã đọc hoặc được xem trước 1 phần lớn nội dung sách sẽ mang lại quyết định tốt hơn. Nói như thế không có nghĩa là mình ủng hộ sách lậu đâu nhé!
Hiện tại việc sử dụng ebook, audio book có bản quyền tác giả ở Việt Nam đang được nhiều công ty xây dựng và phát triển. Mình hy vọng tương lai không xa Việt Nam sẽ có những đơn vị chuyên phát hành ebook, audio book tương tự kho sách Kindle Amazon. Ebook hiện tại là dạng mình và nhiều mọt sách rất thích bởi tính tiện lợi của chúng. Bạn có thể tốn khá nhiều không gian cho việc lưu trữ sách giấy nhưng ebook thì đơn giản hơn rất nhiều. Bạn có thể mang chúng đi bất cứ đâu để đọc, chưa kể bạn có thể ghi chú lại trên máy đọc sách những đoạn hay và ý nghĩa để tiện xem lại sau này.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về vấn đề sách bản quyền? bạn có ủng hộ hay không? Hãy chia sẻ quan điểm của bạn cùng mọi người tại Group Xóm Sách nhé!