Trang chủ » Ta có bi quan không? – Khải Đơn

Ta có bi quan không? – Khải Đơn

“Khi mở mắt, nhìn vào đọt nắng rơi xuống, có khi nào ta thấy cuộc đời chìm trong sự mập mờ, nhập nhằng và tàn nhẫn.

Bàn tay đã trở nên trong suốt, vô dụng.
Đôi mắt đã vô cảm, nhạt nhòa.
Trái tim đập chậm rãi, nản lòng, câm lặng.
Ta tự hứa sẽ an ủi.
Ta tự hứa sẽ sinh tồn.”

“TA CÓ BI QUAN KHÔNG?”

Khi nghe tên tác giả – Khải Đơn, tôi đã nghĩ hẳn đây là một tác phẩm văn học Trung Quốc nhưng hóa ra lại không. Khải Đơn là một cô gái thuần Việt, đã từng có thời gian làm việc ở báo Tuổi Trẻ và theo cách tự giới thiệu của cô “Người viết tự do, đi bộ và sống năm tháng yêu đời”.

Tựa sách “Ta có bi quan không?” khiến tôi nghĩ ngay đến những gì u ám, mập mờ đang nằm chờ sẵn trong từng trang giấy.

“Ta có bi quan không?” là chuỗi những mẩu truyện ngắn kể về những ai đã hữu duyên lướt ngang qua đời Khải Đơn. Đó có thể là cậu bé vì nghèo mà bỏ đại học. Có thể là người bạn chọn cách làm đau bản thân bằng những vết rạch chi chít trên tay, điều mà cậu cho rằng làm cậu thấy “thoải mái”.

Câu từ của Khải Đơn gợi lên những sự thật trần trụi đến khó tả…

“Mỗi đứa trẻ sẽ tìm ra cách hành xử riêng, dù lệch lạc, khổ sở để vẫy vùng trong quãng thời gian ngạt thở mà nó phải chịu đựng trước cuộc đời. Ai sẽ bảo vệ được chúng? Ai sẽ bảo vệ được bạn tôi?”

“…cuộc đời con người sau hai mươi tuổi chỉ là hành trình đi về phía cái chết.”

Bi quan, là cụm từ để chỉ một trạng thái tinh thần. Những người bi quan có xu hướng tập trung vào những tiêu cực của cuộc sống nói chung. Một câu hỏi phổ biến được yêu cầu để kiểm tra sự bi quan là “Cốc nước là một nửa vơi hay nửa đầy?”

Đối với “Ta có bi quan không?” của Khải Đơn, mọi cảm giác tiêu cực dường như đều được kể thông qua câu chuyện của những người trẻ, những người đáng ra ở độ tuổi tươi mát nhất của cuộc đời lại đang lặng chìm trong sự mất phương hướng.

Mỗi câu chuyện khắc họa các yếu tố khác nhau tạo ra sự bi quan cho từng cá thể. Đó có thể là sự ganh ghét, sự hoài nghi và sự đố kỵ. Nó biến những đứa trẻ ngây thơ thành những chiến binh tìm cách rạch mặt bạn mình khi không còn cách đàng hoàng để chiến thắng.

Tôi gần như đã nhụt chí đọc tiếp sau câu chuyện đầu tiên vì cảm thấy mọi thứ quá khắc nghiệt.

Có lẽ, Khải Đơn hiểu điều đó hơn ai hết bởi chính cô là người đã bắt tận tay ray tận trán người thật việc thật, vậy nên cô đã dùng “sự yêu đời” của mình để xoa dịu vấn đề khi gần chạm kết.

“Chẳng đứa trẻ nào cần đố kỵ để lớn lên cả.”

Ta có bi quan không? - Khải Đơn. (Ảnh: Fahasa)
Ta có bi quan không? – Khải Đơn. (Ảnh: Fahasa)

“TA HỌC CÁCH CHỮA LÀNH”

Với bốn chương chính, “Ta có bi quan không?” tuy là những câu chuyện rời rạc nhưng tổng kết lại thành một câu chuyện lớn, đó là “hành trình tự chữa lành” của mỗi nhân vật.

“Hãy đi khi em còn thấy mình có thể thay đổi, tại sao phải nghiêm trọng hóa vấn đề?”

Ai trong chúng ta có lẽ cũng đều có cho mình một ốc đảo nhỏ tận sâu tâm khảm. Ốc đảo ấy là nơi cư ngụ an toàn cho ta trước cuộc đời vô thường, chẳng ai có thể điều khiển hay lường trước điều gì. Thế giới bên ngoài ốc đảo là thứ khiến con người ta vừa kích thích vừa lo sợ. Hệt như đứa trẻ háo hức bóc gói quà nhưng đồng thời cũng sợ bên trong lại chẳng phải món đồ chơi chúng ước ao.

Thứ mà tôi nghiệm ra sau mỗi lần đọc lại “Ta có bi quan không?”, ấy là điều duy nhất ta có thể điều khiển, không gì khác ngoài chính là bản thân mình, còn vạn vật xung quanh sẽ luôn luân chuyển.

Ốc đảo bên trong dù có vẻ an toàn đến mấy thì cũng sẽ sớm trở thành nhà tù của tiềm thức, nếu ta cứ mãi trốn tránh trong nó. Chỉ khi đủ can đảm rời khỏi ốc đảo để học cách đương đầu với sóng lớn, chúng ta mới biết được rằng bên trong mình ẩn chứa một sức mạnh như thế nào.

“Chẳng ai cứu được kẻ phiêu lưu chọn buông mình xuống vực thẳm. Chẳng ai giúp được người chọn quăng mình xuống dòng sông chảy xiết…”

Ta học cách tự chữa lành vết thương, thay vì kỳ vọng vị anh hùng nào đó xuất hiện để cứu lấy mình.

Tôi không mong “Ta có bi quan không?” sẽ trở thành cuốn sách gối đầu giường của bạn, bởi với tôi nó vẫn mang một màu buồn man mác. Tôi thích được chìm vào giấc ngủ với những câu chuyện cổ tích hơn.

Nhưng nếu có thể, tôi vẫn khuyên bạn nên đọc qua thử một lần, vì đơn giản đây là tác phẩm của một cây bút trẻ Việt, của một trái tim nhiệt huyết, yêu đời. Người đã không để những nhân vật của mình phải kết thúc câu chuyện trong sự bi quan tuyệt đối.

“Tình yêu hay sự thành đạt… chỉ là phái sinh của những vết thương tươi mới trong tim mình. Vì tuổi trẻ dũng cảm như thế…” – Khải Đơn.

Tham khảo và đặt sách tại các nhà sách online: Fahasa, Lazada, Sendo, Shopee, Tiki, Vinabook

Ta có bi quan không? - Khải Đơn. (Ảnh: Fahasa)
Ta có bi quan không? – Khải Đơn. (Ảnh: Fahasa)
XEM THÊM

Để lại một bình luận