Trang chủ » “Thiên táng” đau đớn đến tận cùng và đẹp cũng đến tận cùng – Hân Nhiên

“Thiên táng” đau đớn đến tận cùng và đẹp cũng đến tận cùng – Hân Nhiên

Thời gian gần đây, Nhã Nam tái bản hai tác phẩm gây sốt của Hân Nhiên là “Hảo nữ Trung Hoa” và “Thiên táng”. Cả hai cuốn sách đều là những câu chuyện trần trụi chất đời thường và chạm sâu vào tận đáy tim người đọc. Nếu “Hảo nữ Trung Hoa” là từng mảnh ghép được chắp nối để tạo nên bức tranh về phận đời của người phụ nữ Trung Quốc thì “Thiên táng” là một cuộc đời, một câu chuyện của một người phụ nữ thôi nhưng đủ sức làm ta phải bồi hồi, chiếc đàn tâm hồn ta phải rung lên bao điệu cảm xúc.

Thiên táng có bìa sách không bắt mắt, nhưng nội dung của tác phẩm lại là một hạt ngọc bị mảnh vải phủ hờ. Chỉ cần mở mảnh vải ra, lật giở từng trang sách, độc giả sẽ được chiêm ngưỡng cái đẹp, cái giá trị của hạt ngọc ấy.

Cuốn sách của Hân Nhiên đưa người đọc đến với câu chuyện của người phụ nữ Trung Quốc kiên cường mang tên Thư Văn trong hành trình đi tìm chồng với sự cảm động ứa tràn từ những trang đầu cho đến cái kết làm lòng ta hụt hẫng, chống chếnh trong nỗi buồn. Vì tình yêu lớn lao của đời mình, Thư Văn dám dấn thân vào chốn hiểm nguy, dám đối mặt với tử thần mà không hề lùi bước, bà bỏ lại sau lưng những lời ngăn cản của người thân, bạn bè để đến với Tây Tạng, “mái nhà của thế giới” với độ cao 4000 mét, nơi được người Trung Quốc thêu dệt nên bởi bao điều rùng rợn. Khi tình yêu quá lớn thì những khó khăn cũng hóa tầm thường.

Thiên táng - Hân Nhiên (Ảnh: Thúy Diễm)
“Thiên táng” – đau đớn đến tận cùng và đẹp cũng đến tận cùng. (Ảnh: Thúy Diễm)

Dõi theo bước chân của Thư Văn, chúng ta như mở ra một cánh cửa trong trang sách để đi đến với một đất nước xa xôi hoang vu, thời tiết khắc nghiệt. Với sự tài hoa trong cách cảm, cách viết, Hân Nhiên đã miêu tả sinh động và gợi tả đến nỗi người đọc có thể cảm nhận mồn một từng cơn gió cắt thịt, cắt da, những cơn bão tuyết ào ào đổ xuống làm người ta rùng mình sợ hãi, cả cảm giác choáng váng do độ cao, lẫn sự khát khao, mong mỏi rồi bất lực, đớn đau, chua xót và thất vọng gặm nhấm trái tim của Thư Văn trong hành trình gian khổ và tách biệt hoàn toàn với thế giới rộn rã bà từng sống.

Những tháng năm thanh tân tuổi trẻ của Thư Văn đã được Hân Nhiên kể lại chân thật và miêu tả sắt nét như chính cuộc đời thật đang hiện ra trước mắt ta. Tình yêu bỏng cháy như nắng trời chói chang, sự kiên trì bám víu vào từng mảnh đất khắc nghiệt của Tây Tạng, những nỗi đau quặn thắt đáy tim… tất cả đều rõ ràng quá, như gần sát cạnh ta quá, làm ta phải xót, phải đau, phải thương cho nhân vật quá nhiều.

Đặc biệt, giọng văn có sự thay đổi linh hoạt, rất phù hợp với tâm trạng nhân vật: Lúc sôi nổi, khi trầm buồn, lúc tha thiết, khi lại sâu lắng suy tư… Chính nghệ thuật tự sự đã góp phần khiến “Thiên táng” thêm sống động và đầy sức hút.

Qua “Thiên táng”, độc giả còn như được thực hiện một chuyến du lịch đến một đất nước xa xôi để góp nhặt thêm vào kho tàng tri thức của bản thân về con người, thiên nhiên của đất nước Tây Tạng cũng như niềm tin tôn giáo mãnh liệt nơi họ. Tác phẩm cũng sẽ là câu trả lời cho câu hỏi: “Thiên táng là gì?“, điều mà hầu như đa số bạn đọc đều băn khoăn khi tiếp xúc với tác phẩm.

Tôi tin chắc rằng cuốn sách sẽ là một trải nghiệm thú vị cho chúng ta, những ai chưa yêu, đang yêu và sẽ yêu. Nó chất chứa bao giá trị nhân văn và những giá trị ấy sẽ mãi tươi màu dẫu thời gian có bào mòn tất cả.

XEM THÊM

Thảo luận của bạn