Trang chủ » Ước nguyện trong lành ắt thành sự thật – Hisatsugu Ishida

Ước nguyện trong lành ắt thành sự thật – Hisatsugu Ishida

If you desperately want something, the universe will conspire in helping you achieve it“. Câu này có nghĩa là nếu như bạn thật sự mong muốn có điều gì thì vũ trụ sẽ giúp bạn có được nó. Nếu như bạn thật sự tin vào một ngày nào đó bạn sẽ thành công, thì bạn sẽ thành công, hãy cứ tin rằng điều đó có thể xảy ra.

Thứ mong manh nhất là niềm tin, thứ vững mạnh nhất cũng là niềm tin. Bạn tin điều gì, bạn cầu mong điều gì nếu tất cả đủ lớn, có thể vũ trụ sẽ hợp lực để trả lời bạn.

Bởi vậy mới nói “Ước nguyện trong lành ắt thành sự thật!

Ước nguyện trong lành ắt thành sự thật - Hisatsugu Ishida. (Ảnh: Instagram)
Ước nguyện trong lành ắt thành sự thật – Hisatsugu Ishida. (Ảnh: Instagram)

Ngay từ những trang đầu tiên, tác giả Hisatsugu Ishida đã liệt kê hàng loạt minh chứng của việc áp dụng “Định luật vũ trụ” vào đời sống và biến ước mơ thành sự thật.

Nguyên tắc ông đưa ra rất đơn giản. Nếu bạn có một ước nguyện, không gây tổn hại đến ai, tạm gọi là “trong lành”, vậy hãy cố gắng viết chúng ra ít nhất ba lần một ngày và duy trì trong 100 ngày. Bạn nghĩ rằng mình làm được không?

Tôi đã từng cười khẩy và nghĩ rằng mình chắc chắn làm được. Ấy vậy mà tới ngày tám mươi bảy tôi đã ngừng viết và thật sự trong tám mươi bảy ngày đó tôi cũng không viết những ước nguyện của mình một cách liền mạch.

Vì sao ư? Có lẽ vì niềm tin chưa đủ lớn hoặc có lẽ điều ước ấy không thật sự xuất phát từ tận sâu tâm khảm tôi, nó chưa đủ trong lành để vũ trụ hồi đáp. Điều gì có thể khiến mong ước thành sự thật? Hít lấy một hơi thật sâu, ngồi xuống, lật lại từng trang sách để xem rốt cuộc tôi đã bỏ lỡ điều gì của “Định luật vũ trụ”.

Người tí hon trong mỗi chúng ta

“Người tí hon” là cách nói ví von của tác giả về thứ gọi là “tiềm thức”. Tiềm thức, theo đúng nghĩa đen, là ý thức thường được ẩn đi, không được thể hiện ra bên ngoài.

Đối với việc thực hành “Định luật vũ trụ” để biến ước nguyện thành hiện thực, tác giả đã đề cập rất nhiều đến việc phát huy sức mạnh của tiềm thức. Có thể hiểu nôm na, chúng ta khao khát một điều gì đó, chúng ta nghĩ về nó rồi xắn tay áo bắt đầu thực hiện. Đến một giai đoạn nào đó mọi thứ được làm theo quán tính dù chúng ta gặp muôn vàn khó khăn những tưởng bị dồn vào thế bất lực. Khi ấy tiềm thức sẽ xuất hiện đánh thức mọi giác quan khiến ta thốt lên: “Tưởng gì, hóa ra là thế!”.

Ước nguyện trong lành ắt thành sự thật” là một cuốn sách chứa đầy những triết lý đi ngược nhau, khiến một lần đọc là không đủ mà phải nghiền ngẫm đôi ba dạo. Tôi đã từng khá hoài nghi khi tác giả viết “Mong ước được thực hiện lúc ta quên nó đi” mà về sau mới vỡ lẽ ra, những người tí hon chỉ xuất hiện khi chúng ta ngủ say và tiềm thức được gọi dậy khi bản thân bỏ qua cái tôi, sự nóng ruột hấp tấp trong việc hiện thực hóa ước mơ cá nhân.

Khi bạn càng muốn nhanh chóng đạt điều gì đó, tiềm thức sẽ tìm cách ngăn cản bạn làm điều ấy bởi nó cho rằng việc nóng vội là “không an toàn”. Tiềm thức có sức mạnh gấp vạn lần ý thức và nó có quan điểm riêng rằng “an toàn thì làm – nguy hiểm thì không”. Vậy nên việc cố vượt khỏi làn ranh sẽ làm tiềm thức gióng lên hồi chuông cảnh báo khiến bạn càng nôn nóng càng dễ gặp bế tắc.

Hoàn thành ước mơ bằng con chữ

Ước nguyện trong lành ắt thành sự thật” đã có tác động rất lớn đến tôi trong việc học cách đặt ra mục tiêu và từng bước thực hiện chúng.

Việc đầu tiên để đưa mơ ước thành hiện thực là bạn phải học cách viết chúng ra.

Có không ít cuốn sách nói về việc bạn hãy viết nguyện ước của mình mỗi sớm mai thức dậy hoặc đọc nhẩm nó ba lần trước khi ngủ. Tác giả đã kết hợp điều ấy lại bằng “Viết điều ước ba lần trước khi ngủ”. Viết nó ra và gọi tên thật dõng dạc. Tạo cho bản thân thói quen và nhịp độ nhất định cho tiềm thức.

Ngày và đêm luôn là hai thái cực trái ngược. Tác giả chọn buổi đêm, trước khi ngủ để khuyên người đọc viết ra nguyện ước của mình, bởi theo ông “nếu vào ban ngày bạn thật tập trung vào một sự việc nào đó, khi đi ngủ, bạn sẽ được trải nghiệm nó trong mơ, và giấc mơ ấy lại tác động lại vào hiện thực.”

Quay lại câu chuyện của bản thân tôi trong việc duy trì thói quen viết nguyện ước 100 ngày. Ishida đã không thừa khi nói việc viết lách hằng ngày nghe thì đơn giản nhưng kỳ thực lại là một việc rất khó khăn. Tôi đã dừng lại ở ngày 87 và buộc phải viết lại từ đầu, dù việc viết chỉ tốn 2 – 3 phút một ngày.

Điều ấy minh chứng cho một sự thật hiển nhiên về việc hiện thực hóa ước mơ của mỗi người đó là kiên trì và học cách chịu được áp lực. Việc viết và duy trì thói quen viết đã hình thành một áp lực không hề nhỏ với tôi mà nếu tuân thủ đúng nguyên tắc thì áp lực ấy hoàn toàn sẽ được giải tỏa sau 100 ngày.

Tác giả đã lường trước được ba lý do chính của việc ngưng giữa chừng. Ba lý do ấy là gì, tôi khuyên bạn nên tìm và đọc qua cuốn sách để có câu trả lời giúp bạn vỡ lẽ ra nhiều thứ.

Hơn cả một quyển sách

Ước nguyện trong lành ắt thành sự thật” không chỉ giúp bạn tìm ra phương pháp hiện thực hóa ước mơ của mình, mà còn giúp bạn hiểu hơn nhiều thứ thuộc về thế giới cảm xúc bên trong mỗi người.

Hisatsugu Ishida không chỉ là một nhà văn, ông còn là một nhà tham vấn trị liệu tâm lý. Ông đã dành nhiều năm để nghiên cứu và áp dụng những triết lý cũng như định luật xa xưa vào việc khắc họa chân dung nội tâm con người. Trước khi đến với thành công như hiện tại ông đã từng thất nghiệp, không bằng cấp và sống ngoài rìa xã hội. Vậy nên từng câu chữ ông viết đều xuất phát từ chính tâm tư của một người từng không có mục tiêu trong cuộc sống, chứ không chỉ là những lý thuyết suông.

Ai cũng muốn biến ước mơ của mình thành hiện thực nhưng không phải ai cũng biết cách. Bí quyết của Ishida rõ ràng thật đơn giản: Thấu hiểu bản thân và sống hòa hợp với vũ trụ.

Là một người đã thử và cố gắng hoàn thành thói quen viết 100 ngày cho mọi nguyện ước của mình, tôi nghĩ bạn nên thử một lần mở quyển “Ước nguyện trong lành ắt thành sự thật” để từ đây, có thể bắt đầu thức dậy và sống giấc mơ của đời mình.

Chúc cho vũ trụ sẽ sớm hồi đáp bạn!

XEM THÊM

Để lại một bình luận