Trang chủ » Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương – Sara Isma – Điều gì còn đọng lại trong hành trình cùng con khôn lớn?

Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương – Sara Isma – Điều gì còn đọng lại trong hành trình cùng con khôn lớn?

Nếu quan tâm đến lĩnh vực giáo dục trẻ em, hoặc đang thực sự trải nghiệm những tháng ngày làm cha mẹ thiêng liêng, thì ắt hẳn, bạn đã từng nghe đến tên “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” – một quyển sách đình đám về phong cách nuôi dạy con của người Do Thái.

Cũng như nhiều người, tôi ngưỡng mộ tài năng, trí tuệ và sự mạnh mẽ của dân tộc Do Thái. Việc mong muốn con mình trở thành những người thông minh, sáng tạo, tử tế, được đánh giá cao và mang lại nhiều giá trị cho cuộc sống, cho xã hội là một nhu cầu chính đáng của cha mẹ. Vì thế, chúng ta thường sẽ bị tác động bởi những quyển sách có xu hướng chỉ dẫn “cách để ta đạt được ước vọng” của mình.

Quả thật, Vô cùng tàn nhẫn, Vô cùng yêu thương xứng đáng có được một vị trí ưu tiên trong tủ sách gia đình, bởi những nguyên tắc nuôi dạy con được tác giả Sara Imas đề cập đến rất hữu ích đối với những bậc cha mẹ hiện đại ngày nay. Và hơn hết, khi bạn trực tiếp chiêm nghiệm những câu chuyện nuôi dạy con của tác giả, bạn mới có thể hiểu hết được rằng, những phương cách ấy có phù hợp với tính cách của con mình, định hướng và văn hóa gia đình mình hay không.

Nội dung hay, nhưng nếu được chấm điểm toàn diện, tôi chỉ xin gửi con số 7 đến quyển sách này. Vì sao ư? Mời bạn cùng tham khảo vài nhận xét cá nhân tôi trong vài phút.

Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương - Sara Isma (Ảnh: Tiki)
Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương – Sara Isma (Ảnh: Tiki)

Người Do Thái nuôi dạy con theo những nguyên tắc gì?

Những quy tắc nuôi dạy con của người Do Thái được ví như một ngọn lửa, nung nấu và trui rèn những thỏi vàng sắc bén, những mảnh kim loại chắc chắn và mang lại giá trị cao. Để làm được những điều đó, người cha người mẹ phải thật sự nhẫn tâm, phải chấp nhận buông tay và điều khiển cảm xúc của chính mình. Cha mẹ cần biết điều gì là quan trọng cho con tại thời điểm hiện tại và cả hành trình khôn lớn của các con về sau.

Những quy tắc được đề cập đến trong sách không quá xa lạ.

  • Có làm có hưởng. Học được nguyên tắc này, trẻ sẽ biết trân trọng giá trị của những gì tự mình đạt được, và từ đó tiếp tục hăng say tạo ra thêm nhiều thành quả của chính mình. Càng khao khát tạo nên điều gì, trẻ càng có nhiều cơ hội bồi dưỡng thêm kỹ năng sống và kiến thức cả chuyên môn lẫn xã hội cho bản thân.
  • Khéo léo từ chối và trì hoãn sự thỏa mãn. Nguyên tắc ngày củng cố thêm sự trân trọng của con trẻ đối với những điều thật sự giá trị. Không phải lúc nào con yêu cầu, cũng sẽ được đáp ứng. Và cách chấp nhận những nỗi buồn, sự khó chịu khi không thỏa mãn được mong muốn sẽ giúp các con học được cách kiềm chế bản thân, điều khiển được cảm xúc của chính mình.
  • Buông tay cho con được tự mình khôn lớn. Đồng hành cùng con khôn lớn không đồng nghĩa với việc đi giúp con những bước đi riêng của chúng. Yêu thương con càng nhiều, càng cần phải để cho con tự mình vượt qua những bài học, những thử thách, sống cuộc đời của riêng chúng.

Bên cạnh những nguyên tắc dạy con trở nên vững vàng hơn, Sara còn đưa ra những kỹ năng mà cha mẹ cần rèn luyện cho con mỗi ngày.

  • Kỹ năng sinh tồn.
  • Kỹ năng quản lý tài sản.
  • Kỹ năng quản lý thời gian.
  • Kỹ năng lên kế hoạch từ những việc nhỏ nhặt nhất.

Tất cả, tựu chung lại, đều là những tố chất cần có để các con trở thành những người trưởng thành tử tế, thành công và hạnh phúc.

Tuy nhiên, phải chăng chúng ta đang áp dụng những kỳ vọng về một người lớn chuẩn mực lên những đứa trẻ ngây thơ, một cách thái quá?

Tên sách ấn tượng. Nhưng đó không phải là tất cả.

Thú thật, lần đầu tiên đọc tên quyển sách, tôi đã bị thu hút ngay. Có thể nói, việc đưa ra hai thái cực đối lập nhau – “tàn nhẫn” và “yêu thương” – lên bìa sách kích thích sự tò mò và ham muốn tìm hiểu của người đọc. Con người ta thường bị hấp dẫn bởi những thứ gì đó đi đến tận cùng. Cụm từ “vô cùng” đưa người đọc đến với trạng thái cảm xúc cao độ, rồi dẫn dắt người ta thăm thú từng con chữ trong sách bằng luồng cảm xúc đó. Như thể, đọc đến đâu, thấm đến đó. Khi cảm xúc đang dâng lên, người ta thường sẽ dành hết ưu tiên cho việc khám phá. Điều này đúng với tôi, chỉ mất khoảng một tuần để tôi hoàn thành một quyển Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương hơn 500 trang thuần chữ.

Song, đọc chăm chú không đồng nghĩa với việc có thể áp dụng mọi kiến thức trong sách vào cuộc sống thực tế. Tôi tự hỏi, tại sao phải là tàn nhẫn? Tại sao không thể yêu thương một cách thuần túy, rộng lượng, chân thành và đúng đắn với các con?

Nếu quyển sách này ra đời và tiếp cận được những bố mẹ Việt Nam ở thế hệ trước, có lẽ sẽ trở thành một cú hích ngoạn mục, gây nên những tranh cãi trái chiều về phong cách chăm con bảo bọc, xem con là tài sản quý giá. Phải thừa nhận rằng, việc nuông chiều con quá mức theo cách của “thế hệ cũ” đã khiến cho nhiều người lớn lên với đầy đủ vật chất nhưng lại khiếm khuyết rất nhiều kỹ năng và mục đích sống.

Song, chúng ta cũng không thể phủ nhận việc vẫn có nhiều gia đình đông con tại Việt Nam, vì hoàn cảnh mà buông tay cho các con lớn lên cùng cây cỏ, đất trời. Thậm chí, nhiều người còn truyền tai nhau câu nói vui “Trời sinh voi sinh cỏ”, tức chỉ cần sinh con ra, các con sẽ tự nhiên lớn lên, việc nuôi con ở thời điểm khó khăn cũng không “thật sự khó khăn cho lắm” khi biết chấp nhận số phận và buông bỏ kỳ vọng, còn việc dạy con thì có thể phó mặc cho cuộc đời. Cha mẹ xưa buộc phải vừa làm kinh tế, vừa đảm bảo những nguyên tắc an toàn cơ bản nhất cho con, vậy là xong. Ở những gia đình nghèo vật chất như vậy, thường sẽ nuôi dưỡng nên những đứa trẻ giàu có về nghị lực, tinh thần và định hướng sống của mình.

Ở thời điểm Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương xuất hiện ở Việt Nam, những bậc làm cha mẹ hiện đại đã tiếp cận nhiều nguồn thông tin, đã tiến bộ hơn và thật sự tỉnh thức hơn rất nhiều. Những quyển sách về phương pháp nuôi dạy con cũng ra đời ngày càng nhiều, đáp ứng nhu cầu mong muốn tạo nên những bậc nhân tài, vĩ nhân cho tương lai. Ước muốn là chính đáng. Nhưng chúng ta cần nhớ, những đứa trẻ vẫn là những đứa trẻ, cần “vô cùng yêu thương”, chứ không nhất thiết phải “vô cùng tàn nhẫn”.

Với tôi, Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương còn có một nhược điểm là mỗi nguyên tắc được tác giả đề cập khá lan man, đa phần là kể về hành trình nuôi lớn các con và những thành công mà con bà đã nhận được. Việc kể lể quá nhiều thế này khiến cho người đọc như tôi cảm thấy khá bội thực và không tiêu thụ hết những thông điệp Sara muốn gửi gắm.

Có nên áp dụng những nguyên tắc này hoàn toàn?

Nên áp dụng chứ, vì đây là những đặc tính tốt đẹp mà các con nên được trang bị để lớn lên một cách vững vàng, trở thành một người tử tế và có ích.

Tuy nhiên, vì tuổi thơ vẫn luôn là một điều đẹp đẽ cần được gìn giữ, và trẻ con muôn đời vẫn đáng được sống ngây thơ, hồn nhiên như chúng vốn dĩ. Nên hãy cẩn thận trong việc áp dụng những quy tắc này một cách “vô cùng tàn nhẫn”. Hãy cân nhắc và chọn lọc phương pháp phù hợp với tính cách của con bạn.

Tôi hiểu rằng, tác giả có thể chỉ muốn nhấn mạnh vào việc, cha mẹ cần phải kiên tâm, cứng rắn hơn để dạy con mình một cách lý trí. Nhưng cách hành văn của tác giả, (hoặc lời người dịch) đôi lúc sẽ khiến người đọc cảm nhận với tâm thế tiếp thu trọn vẹn và cần phải áp dụng một cách triệt để, bất chấp với những đứa trẻ. Với tôi thì lý trí chỉ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ khi kết hợp hoàn hảo với cảm xúc.

Việc rèn luyện cho các con những đức tính tốt đẹp, trang bị cho con một hành trang bước vào đời thật vững vàng là hoàn toàn nên làm, nhưng … điều gì khiến cho hành trình làm cha mẹ của bạn trở nên ý nghĩa và đẹp đẽ hơn ngoài việc yêu thương không đong đếm được?

Việc để lý trí can thiệp vào vấn đề dạy con là hữu ích, nhưng với trẻ nhỏ, tôi tin rằng chính tình yêu thương vô điều kiện và những hành động chuẩn mực của bố mẹ mới là thước đo điều chỉnh được hành động của các con mình. Vậy nên, không cần phải quá tàn nhẫn và lạnh lùng, chỉ cần vô cùng yêu thương để tạo nên sự vững vàng và khơi gợi tính tử tế trong người con. Nếu có thể, hãy cân bằng hai yếu tố này theo cách “lệch lạc” một chút, để thấy rằng cán cân trong việc nuôi dạy con cái vẫn nên thiên về tình yêu thương nhiều hơn. Lý trí là cần có, nhưng không cần phải tàn nhẫn để trở nên lạnh lùng với con.

Việc khó khăn và dại khờ trên đời có rất nhiều, trong đó có việc khuyên nhủ một ai đó cách làm cha mẹ của những đứa con họ. Đối với mỗi gia đình, tùy thuộc vào văn hóa, đặc điểm tính cách của con và định hướng của cha mẹ, mà cách hành xử và nuôi dạy con sẽ có những điểm đặc biệt khác với những gia đình còn lại. Không ai là giống ai cả, những quy tắc trên vẫn đáng được tham khảo để luôn giữ cho tâm trí mình cân bằng hơn trong việc cùng con lớn lên, nhưng hãy nhớ rằng, mình đang nuôi con của chính mình. Và điều gì là thích hợp nhất cho cả bạn và con trong thời điểm hiện tại.

Chúc cho hành trình cùng con khôn lớn của các bạn luôn tràn ngập hạnh phúc, sự thênh thang và hồn nhiên.

XEM THÊM

Thảo luận của bạn